Mỹ lại tạo ‘địa chấn’ ở Trung Đông bằng ‘mãnh điểu’ F-22?

Đức Trí |

“Mãnh điểu” F-22 của Mỹ đang đứng trước cơ hội tiếp tục “tung hoành” ở Trung Đông khi mà Mỹ được cho là đã đồng ý bán F-22 cho Israel, đây là hành động sẽ tạo ra “cơn địa chấn” mới ở khu vực này.

Ngay sau khi Mỹ đồng ý bán 50 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho UAE ngày 29/10, chính quyền ông Donal Trump ngay lập tức đồng ý bán máy bay F-22 cho Israel. Động thái của Mỹ cho thấy sự quan tâm nâng cao sức mạnh đồng minh ở khu vực Trung Đông.

Thông tin về việc Mỹ bán F-22 cho Israel cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đưa ra trong cuộc hội đàm với phái đoàn cấp cao của Israel. Được biết, Washington cũng có chủ trương bán các loại vũ khí dẫn đường chính xác cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Trước đó, Mỹ được cho là đã bác bỏ đề nghị mua F-22 Raptor từ phía Israel, bất chấp sự quan tâm của nước này. Năm 2011, Mỹ đã ngừng sản xuất F-22 Raptor và cấm bán loại chiến đấu cơ tối tân này cho nước ngoài.

Năm 2014, những chiếc F-22 Raptor đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên trong khuôn khổ chiến dịch của Mỹ chống lại các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Theo tờ Asharq al-Awsat của Israel, ngay sau khi Mỹ đồng ý bán F-35 cho UAE, Bộ Quốc phòng Israel đã ngay lập tức “đánh tiếng” với Mỹ để mua F-22 tiên tiến nhất thế giới, để duy trì ưu thế quân sự trong khu vực.

Trong hơn 1 tháng qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Israel đã tiến hành 3 cuộc hội đàm, để thảo luận về thương vụ “đình đám” này cũng như tính cấp thiết trong việc đối phó với Iran.

Có thông tin cho rằng Israel đã chính thức lắp đặt máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất, và nước này cũng là quốc gia sở hữu nhiều máy bay chiến đấu hùng mạnh nhất Trung Đông.

Nếu Mỹ cũng bán máy bay chiến đấu F-35 cho các nước Trung Đông khác, điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến ưu thế của Quân đội Israel trong khu vực.

Do vậy, để đảm bảo thực hiện lời hứa của Mỹ về việc duy trì ưu thế quân sự của Israel ở khu vực, Washington buộc phải bán F-22 cho Tel Aviv. Đây có thể nói là một động thái "ngoại lệ", nhiều khả năng gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông.

Ngoài ra, một vấn đề nữa được đặt ra đó là, dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ đã ngừng hoạt động từ lâu, không rõ Washington có sẵn sàng nối lại việc chế tạo vì đồng minh thân thiết nhất của mình hay không?

Mỹ lại tạo ‘địa chấn’ ở Trung Đông bằng ‘mãnh điểu’ F-22? - Ảnh 2.

Nga và Iran sẽ ra sao khi “Mãnh điểu” F-22 trở lại Trung Đông? Nguồn: Huanqiu.

F-22 Raptor là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới.

Cho điến nay, F-22 vẫn là máy bay tối tân nhất trên thế giới. Loại máy bay này được Mỹ chế tạo với mục đích chiếm ưu thế trên không và trong nhiều trường hợp, thiết lập hành lang an toàn cho các máy bay kém hơn về khả năng tàng hình và cơ động để tiến hành tấn công.

Do vậy nó “được tích hợp những phát triển mới nhất trong công nghệ tàng hình để giảm sự phát hiện của radar đối phương.

Tuy vậy, chương trình F-22 của Mỹ lại gây ra nhiều tranh cãi. Trước hết, việc sản xuất F-22 là kết quả sự phối hợp đầu tư của rất nhiều công ty sản xuất thiết bị lớn với những công nghệ tiên tiến hàng đầu nên giá thành bị đội lên đến mức khủng khiếp.

Toàn bộ chi phí cho chương trình phát triển F-22A cho đến lúc sản xuất xong 141 chiếc đầu tiên vào tháng 5/2009 là 65 tỉ USD, nghĩa là bình quân 461 triệu USD triệu một chiếc.

Mặc dù nhà sản xuất cho biết nếu sản xuất với số lượng lớn, giá thành của F-22 có thể giảm xuống, còn 137,5 triệu USD mỗi chiếc nhưng điều này xem ra khó thành hiện thực vì Chính phủ Mỹ đã dừng chương trình F-22 và loại máy bay này cũng bị cấm không được xuất khẩu.

Trong khi đó, dù cho là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, được đầu tư lớn F-22 vẫn chưa đạt đến độ hoàn hảo cần có.

Những trục trặc kỹ thuật vẫn xảy ra, điển hình là vụ phi công F-22 bị mắc kẹt trong buồng lái ngày 10/4/2006 khiến các nhân viên cứu hộ phải dùng đến cưa máy để giải thoát. Hai vụ tai nạn xảy ra vào tháng 12/2004 tại Nevada và ngày 25/3/2009 khiến không quân Mỹ tổn thất hai chiếc máy bay đắt đỏ và một phi công thiệt mạng.

Cho đến nay chỉ có 187 chiếc F-22 được chế tạo và biên chế vào lực lượng không quân Mỹ dù kế hoạch ban đầu là 750 chiếc. Năm 2011, dây chuyền sản xuất F-22 đã bị dừng. Thay vì mua F-22, Mỹ đầu tư chế tạo chiếc Lockheed Martin F-35 Lightning II.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại