Mỹ "dung túng" cho Triều Tiên phóng tên lửa: Nguyên nhân sâu xa nằm ở chiến lược đối phó TQ tại châu Á?

Đinh Quỳnh |

Mỹ tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại châu Á nhằm bảo vệ các đồng minh trước sức đe dọa của vũ khí Trung Quốc nhưng vẫn giữ bí mật về địa điểm triển khai.

Mới đây, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện bốn vụ phóng tên lửa với mục đích cảnh cáo các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn.

Trái ngược với dự đoán của dư luận, Mỹ phản ứng khá mềm mỏng trước động thái của Triều Tiên. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/8 cho biết, Triều Tiên chỉ phóng tên lửa tầm ngắn và nước Mỹ sẽ không phản ứng thái quá nhằm tiếp tục duy trì đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.

Tờ Hankyung (Hàn Quốc) dẫn lời giới chuyên gia nước này cho rằng, hành động trên chứng tỏ Mỹ đã "dung túng cho hành động thách thức của Triều Tiên", đồng thời muốn gửi tín hiệu rằng nước này muốn triển khai các tên lửa tầm trung ở Hàn Quốc.

Điều này được phân tích là một chiến lược ngoại giao quân sự kép của Mỹ nhằm gây trở ngại cho Trung Quốc bằng tên lửa đồng thời cạnh tranh quyền ảnh hưởng ở Đông Bắc Á mà vẫn duy trì đối thoại được với Triều Tiên.

Mỹ dung túng cho Triều Tiên phóng tên lửa: Nguyên nhân sâu xa nằm ở chiến lược đối phó TQ tại châu Á? - Ảnh 1.

Chủ tịch Kim Jong Un chứng kiến vụ phóng tên lửa ngày 6/8. Ảnh: KCNA

Tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên liên tục được Mỹ "cho qua"

Theo báo Hàn, Mỹ gần như đã bỏ qua tất cả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên kể từ ngày 25 tháng trước. Bởi Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton trong cuộc phỏng vấn với tờ Fox News ngày 6/8 cho biết: "Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cam kết sẽ không phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)". Những tên lửa Triều Tiên đã bắn thử nghiệm không phải là ICBM, vì vậy nó không vi phạm thỏa thuận với Mỹ.

Trước đó, ngày 2/8, Tổng thống Trump có viết trên tài khoản twitter rằng, "vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thể là vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhưng Chủ tịch Kim Jong Un không muốn làm tôi thất vọng". Ông John Bolton cũng viết: "[Tên lửa tầm ngắn] không vi phạm cam kết".

Vụ phóng tên lửa mới nhất ngày 6/8 của Triều Tiên là vụ phóng thứ tư kể từ cuộc gặp mặt ngày 30/6 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ở Bàn Môn Điếm. Trong vụ phóng này, tên lửa đạn đạo mới được phóng xuyên qua nội địa Triều Tiên, rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định: "Điều đó thể hiện về độ hoàn thiện cao của vũ khí".

Hàn Quốc bị kẹp trong cuộc cạnh tranh tên lửa Mỹ-Trung

Báo Hàn cáo buộc, Mỹ đã "dung túng" cho các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên dù hành động này đe dọa sự an toàn của đồng minh Hàn Quốc, đồng thời đã gián tiếp coi Hàn Quốc như một khu vực triển khai tên lửa tầm trung để đối phó với Trung Quốc.

Mỹ dung túng cho Triều Tiên phóng tên lửa: Nguyên nhân sâu xa nằm ở chiến lược đối phó TQ tại châu Á? - Ảnh 2.

Mỹ gây bất ngờ vì phản ứng khá mềm mỏng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Mới đây, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ triển khai các tên lửa tầm trung ở Châu Á, quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Washington chính thức rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trumg (INF).

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Fox News ngày 6/8 vừa qua, ông John Bolton cũng nói về vấn đề này: "Việc triển khai tên lửa tâm trung nhằm bảo vệ các lực lượng của Mỹ đang đóng quân tại Châu Á để bảo vệ Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh khác".

Theo ông, hành động này nhằm phòng vệ trước việc các căn cứ của Mỹ và các nước đồng minh ở châu Á bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm. "Trung Quốc cũng đã triển khai hàng nghìn tên lửa tầm trung từ trước", Cố vấn an ninh Mỹ nói.

Theo giới quan sát, cố vấn an ninh Mỹ tuy không trực tiếp tiết lộ địa điểm triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mà chỉ nhấn bảo vệ hai đồng minh Nhật-Hàn cho thấy khả năng triển khai ở Hàn Quốc và Nhật Bản là rất cao.

Chuyên gia Hàn Quốc: "Đã đến lúc phải lo lắng về việc Seoul đang bị bỏ qua"

Giới Hàn Quốc các buộc, chiến lược ngoại giao kép của Mỹ đang coi nhẹ sự an nguy của Hàn Quốc. Triều Tiên, bắt đầu bắn thử tên lửa từ tháng 5 mà không có bất kỳ sự cản trở nào từ Mỹ, đã hoàn thành thử nghiệm hiệu suất của một tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới KN-23) với các đặc điểm bay tránh đánh chặn.

Vào ngày 6/8, trang mạng 38 North của Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học John Hopkins cho biết: "Vũ khí phóng mới của Triều Tiên sẽ được mở rộng các lựa chọn để tấn công vào nhiều mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc hơn. Các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc sẽ trở nên phức tạp hơn trong tương lai".

Ông Shin Beom Cheol, Giám đốc Trung tâm an ninh và thống nhất, Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho rằng: "Triều Tiên và Trung Quốc được đưa vào vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng Hàn Quốc dường như đang dần bị bỏ qua".

Ông này kêu gọi chính phủ Hàn Quốc "cần để tâm đến vấn đề này và tích cực kiến nghị, đồng thời cũng phải xây dựng một chiến lược ngoại giao thận trọng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại