Đảo Rắn (hay còn gọi là đảo Zmiinyi) có diện tích khoảng 17 hecta, nằm trên biển Đen, cách Odessa khoảng 140 km về phía Tây Nam. Ảnh: Globe and Mail
Các lực lượng Nga đã tuyên bố từ bỏ tiền đồn chiến lược ở Đảo Rắn, khiến mục tiêu chiến tranh của Moscow trở thành dấu hỏi khi xung đột với Ukraine đã bước sang tháng thứ năm.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rút quân khỏi Đảo Rắn vì quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, và cho biết đây là một "cử chỉ thiện chí" để cho thấy Moscow không cản trở các nỗ lực của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm mở một hành lang nhân đạo cho phép vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine.
Tuyên bố này của Nga bị nghi ngờ vì các chuyên gia chỉ ra rằng không có dấu hiệu báo trước nào cho thấy Moscow đang xem xét thực hiện một bước đi như vậy.
Đảo Rắn (hay còn gọi là đảo Zmiinyi) có diện tích khoảng 17 hecta, nằm trên biển Đen, cách Odessa khoảng 140km về phía Tây Nam, đã bị quân đội Nga đánh chiếm trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột với Ukraine.
Các lực lượng Nga đã đẩy lùi thành công một loạt nỗ lực của các lực lượng vũ trang Ukraine nhằm chiếm lại hòn đảo trong suốt tháng 5.
Các chuyên gia cho rằng, việc các loại pháo phản lực và tên lửa chống hạm của phương Tây gần đây đổ về Ukraine cuối cùng đã giúp lợi thế nghiêng về phía Kiev.
Sự nghi ngờ của Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ không tin rằng Nga rút quân khỏi Đảo Rắn ở Biển Đen là một “cử chỉ thiện chí” như phía Nga tuyên bố, một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao cho biết hôm 1/7 khi trả lời các câu hỏi từ giới báo chí Lầu Năm Góc liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Vị quan chức này cho rằng quân Ukraine đã rất thành công trong việc gây áp lực đáng kể lên quân Nga, bao gồm cả việc sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon mà họ mới nhận được để tấn công một tàu tiếp tế của Nga.
“Nếu quý vị viết Đảo Rắn cằn cỗi và hoang vắng như thế nào, quý vị sẽ hiểu tầm quan trọng của việc tiếp tế. Vì vậy, người Ukraine đã gây khó khăn cho người Nga trong việc duy trì các hoạt động của họ ở đó và khiến họ rất dễ bị đối phương tấn công. Vì vậy, đó tất nhiên là lý do tại sao người Nga rời bỏ hòn đảo”, vị quan chức này cho biết.
Kết quả là điều này giúp Ukraine dễ dàng hơn rất nhiều trong việc bảo vệ Odessa, và trong tương lai có thể mở các tuyến đường biển đó mà không bị Nga nhìn chằm chằm từ Đảo Rắn, vị quan chức này kết luận.
Lời giải thích từ Nga
Các chính trị gia Nga đã cố gắng giải thích lý do được viện dẫn của Moscow về việc từ bỏ Đảo Rắn.
“Ngày nay chúng ta nghe thấy rất nhiều ồn ào về việc Nga đang tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu thêm trầm trọng”, ông Alexey Chepa, thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), được truyền thông Nga dẫn lời cho biết.
“Xét trên quy mô toàn cầu, những lô hàng (từ Ukraine) là nhỏ bé, ngay cả khi nó có thể được xuất khẩu thông qua cảng Odessa, nó cũng không thể giúp giải quyết được các vấn đề do cuộc chiến trừng phạt (chống lại Nga) và hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra”, ông Chepa lập luận.
“Chúng ta hiểu rằng những cáo buộc chống lại Nga là vô lý - tuy nhiên quyết định này (rút khỏi Đảo Rắn) được đưa ra ngăn các đối thủ của chúng ta tiếp tục khai thác chủ đề này”, vị nghị sĩ Nga nói.
Hiện trạng Đảo Rắn
Kiev bác bỏ các lập luận của Moscow. Thay vào đó, họ tuyên bố đã thành công đánh đuổi các lực lượng Nga khỏi hòn đảo sau một cuộc tấn công quy mô lớn trong đêm được cho là khiến Nga tiêu tốn hàng trăm triệu USD thiết bị quân sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ca ngợi diễn biến này là một chiến thắng, đồng thời tuyên bố rằng Đảo Rắn đã “tự do trở lại”.
Tuy nhiên, không có vẻ gì là quân đội Ukraine sẽ ngay lập tức thiết lập đồn trú trên hòn đảo nhỏ bé này.
Nói cách khác, Đảo Rắn đang không có bóng người nào vào thời điểm hiện tại, vì Hạm đội Biển Đen của Nga vẫn giữ quyền kiểm soát đối với phần lớn bờ Biển Đen của Ukraine.
Nhà lập pháp Nga Alexey Chernyak hôm 1/7 cho biết, Đảo Rắn vẫn do Nga kiểm soát một khi nó vẫn nằm trong tầm bắn của các hệ thống tên lửa Nga và tàu chiến gần đó. Điều này thành công ngăn cản quân Ukraine tái triển khai trên đảo.
Mặt trận tiếp theo
Nhưng xét cho cùng, việc mất Đảo Rắn với tư cách là một điểm tập kết thiết bị quân sự vẫn giáng một đòn mạnh vào khả năng đe dọa Odessa của Nga, tước đi công cụ quan trọng của Moscow trong việc kiểm soát các tuyến đường vận chuyển đối với ngũ cốc của Ukraine.
Mặc dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy rằng việc rời bỏ Đảo Rắn đã khiến Moscow phải điều chỉnh lại các mục tiêu của mình, vốn vẫn chưa rõ ràng kể từ khi họ bắt đầu tấn công quân sự vào Ukraine hôm 24/2.
Ở mặt trận miền Đông Ukraine, cuộc tấn công Donbass của Nga dường như đang dần thành công, khi quân Nga và quân ly khai thân Nga tiến gần hơn đến việc đánh bật quân đội Ukraine khỏi khu vực.
Các lực lượng Nga đang tiếp tục gây áp lực lên Odessa với hàng loạt các cuộc không kích.
Đã có những suy đoán cho rằng trục Odessa có thể trở thành mặt trận tiếp theo trong xung đột Nga-Ukraine sau khi giao tranh ở Donbass kết thúc.
Các mục tiêu của Nga được cho là sẽ không vì việc mất Đảo Rắn mà bị đảo lộn.