Theo đó, phiên bản Tomahawk TLAM Block IV vốn được thiết kế với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các mục tiêu trên bộ sẽ được chỉnh sửa và nâng cấp để cho ra đời biến thể diệt hạm mới. Biến thể này sẽ mang tên hiệu Maritime Strike Tomahawk.
Để đáp ứng nhiệm vụ diệt hạm, tên lửa Tomahawk sẽ được trang bị hệ thống dẫn đường mới, gồm hệ thống ra-đa tự dẫn chủ động và thụ động đáp ứng khả năng tự cơ động trên biển. Chi phí nâng cấp mỗi tên lửa Tomahawk Block IV sang biến thể Maritime Strike Tomahawk vào khoảng 250.000 USD.
Tên lửa Tomahawk TLAM Block IV.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ không công bố các giải pháp kỹ thuật mới được áp dụng trên biến thể Maritime Strike Tomahawk giúp nó có thể hoạt động được trong môi trường đối kháng điện tử mạnh hoặc mất tín hiệu dẫn đường vệ tinh.
Mặt khác, việc chuyển đổi sang nhiệm vụ đối hạm cũng cần thay đổi thiết kế và cách bố trí đầu đạn để tối ưu khả năng xuyên phá nổ thay vì nổ mạnh như đầu đạn chống mục tiêu mặt đất. Hiện, các thông số kỹ thuật liên quan tới Maritime Strike Tomahawk chưa được công bố.
Dự kiến, quá trình thử nghiệm Maritime Strike Tomahawk sẽ được tiến hành vào năm 2019 để tới chúng được sản xuất hàng loạt từ năm 2021.
Được biết, tên lửa Tomahawk ban đầu có phiên bản diệt hạm với tên mã TASM. Phiên bản này được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và ra-đa chủ động tương tự như đạn tên lửa diệt ham Harpoon. Tuy nhiên, do kích thước cồng kềnh, hiệu quả tác chiến thấp, đầu những năm 1990, Hải quân Mỹ đã quyết định không sử dụng Tomahawk TASM.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, việc Hải quân Mỹ khôi phục lại biến thế diệt hạm của tên lửa Tomahawk nhiều khả năng là để duy trì tên lửa diệt hạm giá rẻ mới, tồn tại song song với chương trình phát triển tên lửa diệt hạm siêu thanh LRASM.
Động thái này cũng đáp ứng việc đồng bộ hóa trang bị của Hải quân Mỹ với việc toàn bộ đạn tên lửa sử dụng đều có thể lắp đặt trong khoang phóng của thiết bị phóng thẳng đứng MK 41.