Đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ chỉ gây hại cho Mỹ?
Lời đe dọa "tàn phá nền kinh tế" Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/10 đang tiếp tục trở thành chủ đề nối dài căng thẳng giữa hai quốc gia, bất chấp việc khủng hoảng tên lửa S-400 còn chưa giải quyết xong.
Sau thông báo về việc sẽ rút quân đội Mỹ khỏi vùng đông bắc Syria hôm 6/10 - gần như để mặc người Kurd phải chống chọi trước hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại đây – Tổng thống Trump đã không quên đưa ra lời cảnh báo đối với đồng minh NATO.
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tôi coi là vượt quá giới hạn, tôi sẽ hủy diệt và xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ (như tôi đã làm trước đó!)", ông Trump viết trên Twitter.
Tuy nhiên, hành động "hủy diệt" Thổ Nhĩ Kỳ một khi thành sự thật sẽ được coi là một bước đi làm tổn hại chính lợi ích của Mỹ.
Việc làm suy yếu một đồng minh NATO như Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây bất ổn cho liên minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ, vốn rất cần thiết cho sức mạnh của nước này ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ, đồng thời làm phức tạp thêm kho vũ khí hạt nhân đang được triển khai tại đây.
Cần phải lưu ý rằng, mặc dù mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng suốt nửa năm qua do quyết định của mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, thì trên thực tế, một phần đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được đặt tại căn cứ không quân Inçirlik – với khoảng 50 quả bom hạt nhân B61.
Đây được coi là mấu chốt của vấn đề mà Mỹ sẽ khó lòng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, hay nghiêm trọng hơn là "hủy diệt" nền kinh tế của quốc gia đồng minh. Đã có những lo ngại về việc kho vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị nước này lạm dụng.
Theo The New Yorker, lực lượng hạt nhân của Mỹ được đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1960. Ngay từ thời điểm đó, các quan chức Mỹ cũng từng lo lắng về việc Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO khác có thể tự ý sử dụng vũ khí mà không có sự cho phép hoặc được chỉ dẫn bởi Mỹ.
Vào những năm 1970, khi chiến tranh giữa Hy Lạp (quốc gia cũng lưu trữ vũ khí hạt nhân) và Thổ Nhĩ Kỳ dường như sắp xảy ra, Mỹ đã chuyển kho dự trữ hạt nhân ra khỏi Hy Lạp và vô hiệu hóa bom hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nhiều năm qua, giới chuyên gia đã đặt câu hỏi về quyết định đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ có phải đúng đắn hay không.
Năm 2016, Jeffrey Lewis - người đứng đầu Chương trình Không phổ biến hạt nhân khu vực Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin, đã tỏ ra quan ngại về tình hình an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính cùng năm.
"Căn cứ không quân không phải là pháo đài, nó không có khả năng chống lại sự bao vây của Chính phủ sở tại hơn bất kỳ một đại sứ quán nào", Lewis viết vào thời điểm đó, mặc dù Mỹ đã đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp an ninh cho kho vũ khí hạt nhân của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Bom nổ chậm" ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra những lời đe dọa khoét sâu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia Hans M. Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, có một số kịch bản rủi ro về cách kho vũ khí B61 của Mỹ tại căn cứ Inçirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) có thể bị xâm phạm.
"Một trong những kịch bản đó là mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ tan vỡ và Ankara can thiệp vào các hoạt động tại căn cứ", chuyên gia Kristensen nói với Business Insider.
"Kịch bản khác là một cuộc tấn công được phối hợp tốt, gây ra sự tàn phá từ bên trong", ông nói.
Theo chuyên gia này, vũ khí quan trọng thường được bảo vệ rất tốt về mặt vật lý nên khó có thể bị tổn hại bằng các hành động từ bên ngoài.
Cuộc đảo chính năm 2016 đã chứng kiến những chiếc F-16 tại căn cứ được sử dụng để ném bom tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và một trong những nhân vật âm mưu đảo chính được cho là là chỉ huy tại Incirlik.
Kristensen lưu ý rằng Incirlik "hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ địa điểm lưu trữ hạt nhân nào khác", do sự bất ổn chính trị ở đó và mối quan hệ ngày càng kém giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Về lựa chọn loại bỏ vũ khí hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, Kristensen cho biết việc đưa chúng trở về Mỹ chỉ đơn giản như việc đóng gói, cho lên máy bay và đưa về nước. Tuy nhiên, cản trở là về mặt chính trị. Việc xóa kho vu khí hạt nhân sẽ đưa quan hệ Washington-Ankara trở nên càng tồi tệ hơn.
"Chúng tôi cảm thấy kể từ cuộc khi đảo chính nổ ra vào năm 2016, việc giữ vũ khí ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên rủi ro", Jessica Varnum, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, nói với Business Insider.
Cách duy nhất để tránh sự sụp đổ về quan hệ chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ là đồng thời loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở tất cả các quốc gia NATO.
"Không chỉ là về vấn đề an ninh , mà những vũ khí đó cũng không phục vụ cho mục đích quân sự", chuyên gia Varnum nêu quan điểm.
Mặc dù vũ khí ban đầu được triển khai cho các quốc gia thành viên NATO để thể hiện cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ trước đối thủ (Nga), nhưng chúng không hữu ích trong một cuộc xung đột thực sự.
Theo chuyên gia Varnum nói, điều này là do vũ khí của Mỹ mất quá nhiều thời gian để có thể phát huy một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi các nước NATO không phải là một kịch bản khả thi, đặc biệt khi các đồng minh của Mỹ chắc chắn sẽ không hài lòng về việc Mỹ gỡ bỏ cam kết bảo vệ đối với họ chỉ vì bế tắc với Thổ Nhĩ Kỳ.