Mỹ "khoe" đã cắt đứt nhiều thương vụ xuất khẩu vũ khí của Nga

Anh Tuấn |

Theo hãng tin RT, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng họ đã đạt được “thành công thực sự” trong việc ngăn được một số lượng lớn số khí tài mà Nga xuất khẩu ra nước ngoài, khiến Moscow thiệt hại “vài tỉ USD”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã khen ngợi những nỗ lực nhằm trừng phạt Nga bằng cách cảnh báo các nước trên thế giới về những hậu quả có thể xảy ra khi họ thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ này cho biết: “Chúng tôi đã giành một khoảng thời gian và sức lực đáng kể nhằm đối thoại với các nước đối tác và đồng minh của mình, qua đó giải thích nội dung của Mục 231 của Đạo luật Phòng chống Kẻ thù của Hoa Kỳ qua Các Biện pháp Trừng phạt (CAATSA). Chúng tôi đã phát hiện những hoạt động thương mại không chính đáng tại một số quốc gia và yêu cầu họ ngừng những thỏa thuận sắp được ký kết”.

Người này nói thêm rằng nhờ những động thái này, “chúng tôi đã có thể cắt đứt nhiều thỏa thuận cung cấp vũ khí có tổng giá trị lên đến hàng tỉ USD” và gọi đây là “một thành công lớn”. “Đó là khoản lợi nhuận mà các nước như Nga sẽ không bao giờ có được”, vị quan chức này kết luận.

Tuy nhiên khi được các hãng thông tấn khác nhau như AFP, Bloomberg, CNN hay báo Wall Street Journal hỏi để biết thêm chi tiết về các thỏa thuận đã bị hủy bỏ của Nga, các nước mà Mỹ đã thuyết phục hay tổng giá trị của các thỏa thuận này, vị quan chức không đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Khi được hãng tin AP hỏi rằng liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có thực sự tin các lệnh trừng phạt đang tác động mạnh đến Nga hay không, vị quan chức giấu tên cho biết đây là vấn đề rất nhạy cảm và không thể được công bố trước công chúng. Người này cũng không khẳng định liệu Washington có ý định trừng phạt các doanh nghiệp đang có thỏa thuận với Nga hay không.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, bản thân đạo luật CAATSA đã là một “biện pháp ngăn chặn hữu hiệu” và vì vậy Mỹ chưa có ý định áp đặt trừng phạt lên bất kỳ cá nhân và đoàn thể nào. Theo bà, kết quả mà nó mang lại có thể sẽ khá chậm chạp bởi quá trình đàm phán của các thỏa thuận mua bán vũ khí thường kéo dài vì nhiều lý do.

Hiện tại, tổn thất đối với hoạt động xuất khẩu khí tài quân sự mà Nga đang phải gánh chịu vẫn chưa rõ ràng. Theo báo cáo của công ty phân tích Jane’s Information Group của Anh, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga đã tăng lên trong năm 2017.

Cơ quan xuất khẩu quốc phòng Rosoboronexport của Nga vào năm ngoái đã dự báo rằng lợi nhuận từ các sản phẩm quốc phòng trong năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 rất nhiều. Bên cạnh thỏa thuận bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 có giá trị 2,5 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang đàm phán với Indonesia để bán 11 phi cơ tiêm kích Su-35 có tổng trị giá 1,4 tỉ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại