Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink. Ảnh: Thanh Phạm
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink vừa có chuyến công du đến 5 nước Đông Nam Á bao gồm Singapore, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei từ ngày 23/2 tới 4/3. Chuyến thăm nhằm nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á.
Sáng ngày 7/3, ông Kritenbrink đã có cuộc trao đổi trực tuyến với báo chí về chuyến công du.
Tại Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã tham gia đối thoại Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên 2 nước thực hiện cuộc đối thoại này kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Ông Daniel Kritenbrink cho biết, trong cuộc trao đổi với phía Việt Nam, hai bên đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ. Hai bên cũng thảo luận về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông, trước những thách thức đang gia tăng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các tiến triển trong hợp tác ở lĩnh vực bán dẫn giữa 2 nước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết, cuộc thảo luận tại Hà Nội rất chi tiết, phong phú và có phạm vi cực kỳ rộng. Về mối quan hệ kinh tế và thương mại, ông cho biết hai bên đã thảo luận hết sức thẳng thắn.
"Mối quan hệ này vẫn cực kỳ quan trọng đối với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của chúng tôi với Việt Nam", ông nói thêm.
Tại thời điểm nâng cấp quan hệ lên ĐTCLTD vào năm ngoái trong chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ thực sự là một yếu tố mới và thú vị, quan trọng của mối quan hệ.
"Tôi tin rằng nó sẽ vẫn là một trong những yếu tố quan trọng và thú vị nhất trong mối quan hệ của chúng ta trong nhiều thập kỷ", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Về các diễn biến ở Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu Trung Quốc và Philippines va chạm vào ngày 5/3, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết trọng tâm của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bao gồm cả ở Đông Nam Á là đầu tư vào năng lực chung của các đối tác nhằm hỗ trợ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, thể hiện trên nhiều lĩnh vực từ từ nỗ lực chống lại dịch bệnh và biến đổi khí hậu, đến đầu tư vào sự thịnh vượng kinh tế và cả trong lĩnh vực an ninh.
Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào ngoại giao, bao gồm với các đối tác trong ASEAN, để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, trong đó có các nước có tuyên bố chủ quyền, đều hành động dựa trên luật pháp quốc tế đã được mọi bên cam kết công nhận, tôn trọng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và giải quyết tranh chấp hòa bình. Bên cạnh đó, Mỹ cũng dành nhiều nguồn lực và thời gian để đầu tư xây dựng năng lực hàng hải cho các đối tác, đặc biệt là xây dựng và nâng cao nhận thức trên biển.
Cuối cùng, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nước này sẽ tiếp tục có sự hiện diện thực tế hàng ngày trong khu vực.
"Chúng tôi tiếp tục đi lại và hoạt động ở mọi nơi mà luật pháp quốc tế cho phép, qua đó chứng minh rằng tất cả các quốc gia đều có chung những quyền đó", ông Kritenbrink nói.