Theo tờ The New York Times hôm 6-7, kho hóa chất gần Pueblo, bang Colorado đã phá hủy số vũ khí cuối cùng hồi tháng 6 trong khi những gì còn lại tại kho Blue Grass ở bang Kentucky sắp bị tiêu hủy trong vài ngày tới.
Khi số vũ khí tại kho Blue Grass bị xóa sổ, đồng nghĩa với tất cả vũ khí hóa học từng được công khai trên thế giới sẽ không còn.
Kho vũ khí hóa học của Mỹ được xây dựng trong hơn 70 năm. Trong các kho này có nhiều bom chùm, địa lôi chứa đầy chất độc thần kinh, đạn pháo chứa khí mù tạt và cả những thùng chứa chất độc hóa học có thể phun từ máy bay.
Các thùng chứa lớn tại kho chứa Blue Grass ở Richmond, bang Kentucky - Mỹ hôm 22-6 Ảnh: NYTIMES
Việc sử dụng các loại vũ khí này bị lên án kịch liệt là vô nhân đạo từ sau Thế chiến thứ nhất. Nhưng Mỹ và nhiều cường quốc vẫn tiếp tục phát triển các loại vũ khí này. Một số nước thậm chí còn chế tạo các chất độc thần kinh như VX và sarin, có thể giết người với lượng nhỏ.
Năm 1989, Mỹ và Liên Xô đồng thuận phá hủy kho vũ khí hóa học và đến năm 1997, ý định này chính thức được quốc hội Mỹ thông qua. Dù vậy, việc tiêu hủy vũ khí hóa học đặc biệt nguy hiểm.
Ông Kingston Reif, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về giảm thiểu đe dọa và kiểm soát vũ khí, cho biết: "Chúng tôi đã phải đấu tranh và mất nhiều thời gian nhưng tôi nghĩ chúng ta nên tự hào về điều đó. Lần đầu tiên trên toàn cầu, toàn bộ vũ khí hóa học sẽ bị phá hủy".
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng ước tính có thể kết thúc hoạt động này trong vài năm với chi phí khoảng 1,4 tỉ USD. Tuy nhiên, tiến trình phá hủy chậm hơn so với kế hoạch nhiều thập kỷ, với chi phí gần 42 tỉ USD.
Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy một phần là do người dân và các nhà lập pháp yêu cầu việc phá hủy không gây nguy hiểm cho các cộng đồng xung quanh.
Những cường quốc khác cũng đã tiêu hủy kho vũ khí hóa học của họ, cụ thể là Anh (năm 2007), Ấn Độ (năm 2009) và Nga (năm 2017).