Mỹ - Israel không sợ khi Iran tuyên bố có S-300

Thùy Dung |

Ngày 10/5/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tướng Hossein Dehghan chính thức tuyên bố quân đội nước này đã được trang bị hệ thống phòng không S-300 do Nga cung cấp.

Tướng Hossein Dehghan tuyên bố: "Tôi xin thông báo với người dân rằng chúng ta đã sở hữu hệ thống S-300". 

Trong năm 2016, Iran sẽ bắt đầu sản xuất hệ thống phòng không tầm xa Bavar 373 có khả năng đánh chặn, phá hủy tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo cũng như có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc.

Từ trước đến nay, Mỹ và Israel đã nhiều lần chỉ trích việc Nga chuyển giao hệ thống S-300 cho Tehran. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định S-300 không ảnh hưởng đến sức tấn công của Mỹ, trong khi đó Israel khẳng định, có thể hạ S-300 dễ như trở bàn tay.

Mỹ - Israel không sợ khi Iran tuyên bố có S-300 - Ảnh 1.

Iran khoe một phần của hệ thống tên lửa S-300 do Nga chuyển giao

Theo Tướng Martin Dempsey, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Washington đã đoán trước khả năng Nga sẽ chuyển tên lửa S-300 cho Iran từ nhiều năm qua và tất cả đều gói gọn trong kế hoạch của Mỹ.

Tướng Dempsey khẳng định giải pháp quân sự của Mỹ tại Iran sẽ không bị suy yếu dù Nga có cung cấp S-300 cho nước cộng hòa Hồi giáo này hay không. Theo đó, Washington tiếp tục theo đuổi giải pháp quân sự nếu các chính sách ngoại giao với Tehran thất bại.

Trong khi Tướng Martin Dempsey khá "lạnh nhạt" với hệ thống S-300 thì chính Tổng thống Mỹ Obama lại tỏ ra khá sốt sắng với hệ thống này khi ông đã "bất ngờ" vì Nga duy trì lệnh cấm chuyển giao các hệ thống phòng không S-300 cho Iran lâu đến vậy.

"Tôi thực sự bất ngờ vì lệnh được duy trì lâu đến vậy, khi họ không bị các lệnh trừng phạt cấm bán những vũ khí phòng vệ này", CNN dẫn lời ông Obama nói tại một cuộc họp báo, đề cập đến gần 10 năm Nga trì hoãn tiến tới thoả thuận theo đề nghị của Mỹ.

Trong khi Mỹ tuyên bố mọi chuyện đã "nằm trong kế hoạch" thì người Israel tự tin khẳng định việc phá hủy những hệ thống phòng không S-300 của Iran dễ như trở bàn tay.

Tờ Jerusalem Post dẫn nguồn tin quân sự Israel cho biết, ngay khi Nga đồng ý nối lại hợp đồng bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran, chính phủ Israel đang thảo luận về việc nối lại các hợp đồng quân sự bị đình trệ trước đó do Israel "nể" Nga.

Ngoài ra, nội các nước này còn thảo luận về biện phát triệt hạ hệ thống S-300 của Iran trong trường hợp hệ thống này là một mối đe dọa thực sự với nhà nước Do thái này.

Dù nguồn tin không cho biết vũ khí nào sẽ nhận nhiệm vụ này trong trường hợp cần thiết, nhưng theo đánh giá của tạp chí Jane's, rất có thể vũ khí khiến Israel tự tin trước hệ thống S-300 của Iran là bom lượn thế hệ mới Spice 250 - loại bom này lần đầu được giới thiệu tại triển lãm hàng không Paris 2013.

"Spice 250 có thể tấn công mục tiêu trong vòng trên 100 km, nó có kích thước nhỏ hơn so với bom Spice 1000 và 2000 nên tín hiệu phản xạ sóng radar rất thấp. Vì thế, nó gây khó khăn cho hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu đường không của đối phương.

Chiến đấu cơ có thể mang số lượng lớn bom cho phép phóng nhiều quả đạn cùng lúc về mục tiêu. Những khả năng như vậy khiến hệ thống phòng không S-300 và nhiều hệ thống khác khó đối phó", đại diện nhà sản xuất Rafael của Israel cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại