Những tiền đề không thể bỏ qua
Năm 2008, sau cuộc bầu cử đưa cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lên nắm quyền, một số quan chức ở Israel từng bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush sẽ không thể rời nhiệm sở khi các cơ sở hạt nhân của Iran vẫn còn nguyên.
Thế nhưng họ đã nhầm. Các cơ sở hạt nhân của Iran không những vẫn còn nguyên mà chúng còn được phát triển thêm cả về chất lượng và số lượng.
Giờ đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, tại Israel lại dấy lên những đồn đoán rằng trong vài tuần cuối cùng còn tại vị, nhiều khả năng ông Trump sẽ ra lệnh tấn công quân sự Iran hoặc bật đèn xanh cho Israel tự thực hiện hành động như vậy.
Có một số chất xúc tác dẫn tới những phỏng đoán này. Đầu tiên là vụ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vào tuần trước và thay thế ông cũng như các quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc khác có cùng quan điểm với Tổng thống Trump.
Một số hãng truyền thông ở Mỹ đưa ra khả năng ông Trump muốn gạt Bộ trưởng Quốc phòng Esper để dễ bề thực hiện các động thái quân sự gây tranh cãi hơn.
F-35 Không quân Israel và Không quân Mỹ phối hợp tập trận chung ở miền Nam Israel. Ảnh: IAF
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, rõ ràng đã có rất nhiều sự phối hợp diễn ra liên quan tới Iran. Elliott Abrams, đặc phái viên hàng đầu của chính quyền Mỹ về vấn đề Iran, đã có mặt ở Israel trong tuần qua để hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ tới đây trong tuần này để tiếp tục bàn về những vấn đề liên quan. Tối thứ Năm tuần trước, Tham mưu trưởng Quân đội Israel (IDF), Trung tướng Aviv Kochavi đã tổ chức một cuộc gọi video với người đồng cấp Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley.
Chưa hết, tướng Herbert Raymond McMaster - cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump trong cuộc phỏng vấn với hãng Fox News hôm thứ Tư (11/11) cũng đã nêu ra khả năng Israel, lo ngại về các chính sách của Tổng thống mới đắc cử Joe Biden với Tehran, sẽ tấn công Iran vào đúng “thời kỳ hoàng hôn” của nhiệm kỳ Donald Trump.
Đối với những người theo dõi sát sao quan hệ Israel - Iran, diễn biến này giống như những gì đã xảy ra vào năm 2008 và 2012 khi Israel dường như cũng đang đứng bên bờ vực một cuộc tấn công.
Các bộ trưởng trong chính phủ Israel sau đó xác nhận rằng, Thủ tướng Netanyahu trên thực tế đã muốn phát động một cuộc tấn công vào năm 2012 nhưng cuối cùng phải hủy bỏ vì không tập hợp được sự ủng hộ trong nội các. Quân đội Israel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải rút lui. Đây chắc chắn đều là những điều quan trọng cần lưu tâm trong bối cảnh hiện nay.
Các máy bay tiêm kích F-35I của KQ Israel huấn luyện chiến đấu. Ảnh: AP
Khả năng Mỹ - Israel tấn công Iran đến đâu?
Mặc dù mọi thứ đều có thể xảy ra, nhất là với những người có tính cách như Tổng thống Trump nhưng cũng xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng một cuộc tấn công ngay lập tức như vậy khó có thể diễn ra.
Thực tế, chưa có dấu hiệu nào cho thấy IDF đang chuẩn bị cho chiến tranh, chẳng hạn như việc tăng cường lực lượng ở phía Bắc hay động thái chuẩn bị mặt trận cho cuộc tấn công bằng tên lửa có khả năng xảy ra sau đó.
Tất nhiên, các hành động này nhiều khi không thể đoán trước được. Năm 2007, trước khi Israel ném bom lò phản ứng hạt nhân của Syria, hầu như trong IDF không ai biết về kế hoạch, chứ chưa nói đến cả nước.
Xét trên mức độ cấp bách, cho dù tuần trước Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã công bố báo cáo về kho dự trữ uranium ngày càng tăng của Iran nhưng vẫn chưa đến mức cho thấy Tehran đang chế tạo bom nguyên tử vì nước này vẫn chưa làm giàu uranium tới cấp độ quân sự.
Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn đồng hồ sẽ điểm thời khắc về một vụ đánh bom. Nhưng hiện tại, không có hoạt động làm giàu như vậy, hoặc có một số thông tin tình báo bí mật nào khác mà công chúng không được biết đến, nên dường như không có lý do để tiến hành cuộc tấn công ngay lập tức.
Cũng cần thấy rằng, một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran là cực kỳ phức tạp và luôn được IDF sử dụng như là biện pháp cuối cùng. Nếu chỉ là mối đe dọa thì vẫn chưa đến mức phải tấn công.
Tiếp nữa là vấn đề chính trị. Thủ tướng Netanyahu đã vướng đủ khó khăn khi tham gia một chiến dịch bầu cử mới trong một hoặc hai tuần tới. Một cuộc chiến với hàng ngàn tên lửa trút xuống khắp Israel có lẽ sẽ không giúp ích được gì ông trong chiến dịch này.
Mặc dù vậy, bất chấp tất cả những suy đoán nêu trên, điều quan trọng cần ghi nhớ là mọi việc vẫn đều có thể xảy ra với hai nhà lãnh đạo đầy cá tính - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Họ đều là những người khó có thể đoán trước và sẵn sàng làm rất nhiều việc táo bạo để duy trì quyền lực.