Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong những ngày qua có thể vượt qua "giới hạn đỏ" bất cứ khi nào; nếu cuộc xung đột xảy ra, Nga sẽ giữ vai trò như thế nào trong cuộc xung đột?
Kịch bản cho cuộc xung đột Mỹ - Iran
Ngày 20 tháng 6 vừa qua, lực lượng phòng không Iran đã bắn hạ máy bay trinh sát chiến lược không người lái tầm cao RQ-4 Global Hawk của Hải quân Mỹ. Sự kiện này đẩy mối căng thẳng gay gắt hơn giữa Tehran và Washington lên một nấc thang mới, có thể dẫn đến xung đột.
Ngay sau chiếc RQ-4 bị bắn rơi, tờ New York Times của Mỹ đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn một chiến dịch tấn công quân sự vào Iran, nhưng sau đó đã chiến dịch bị hủy bỏ.
Nguyên nhân mà Tổng thống Donald Trump hủy bỏ chiến dịch tiến công nhằm vào Iran là lo ngại cuộc tiến công làm 150 người Iran thiệt mạng.
Thông tin của New York Times có vẻ khá hợp lý khi cho biết, chiến dịch tiến công Iran dự kiến được bắt đầu vào sáng sớm, nhằm giảm thiểu số thương vong có thể cho quân đội và dân thường Iran; nhưng trên thực tế, Mỹ không bao giờ quan tâm đến số lượng thương vong của đối phương.
Lịch sử các cuộc xung đột từ cổ chí kim cho thấy, mục đích của bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào là gây ra cho đối phương thiệt hại nhiều nhất có thể về nhân sự, phương tiện chiến tranh cũng như tiềm lực quốc phòng khác, nhằm hoàn thành mục tiêu của bất kỳ cuộc đối đầu vũ trang nào.
Mục đích của Mỹ trong một cuộc chiến với Iran sẽ như thế nào vẫn là điều mập mờ: Đưa lực lượng vào lật đổ chế độ như Mỹ đã làm với Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003, hay chỉ dùng lực lượng không quân đánh phá như cuộc can thiệp quân sự vào Nam Tư năm 1999; hoặc chỉ là cuộc tiến công theo kiểu "phẫu thuật" vào Syria năm 2017 và 2018 vừa qua?
Nếu chỉ tiến hành một cuộc chiến bằng không quân và tên lửa hành trình, Mỹ có thể làm suy yếu đáng kể tiềm năng kinh tế, quân sự của Iran; phá hủy hoàn toàn các ngành kinh tế của nước này liên quan đến sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.
Về thời gian của chiến dịch vẫn còn nhiều tranh luận, nhưng trong quá khứ, các chiến dịch do Mỹ đứng đầu đều có thời gian tương đối dài; ví dụ chiến dịch "Bão táp sa mạc" năm 1991 kéo dài 38 ngày; cuộc can thiệp vào Nam Tư năm 1999 kéo dài trong 78 ngày.
Vì vậy về mặt lý thuyết, không có gì đảm bảo Mỹ có thể phá hủy hạ tầng của Iran trong một cuộc chiến kéo dài chỉ có vài ngày. Theo một tính toán, để phá hủy và làm tê liệt cơ sở hạ tầng kinh tế của Iran, thì Mỹ phải huy động phần lớn lực lượng, không kích Iran liên tục trong phạm vi 100 ngày.
Chiều ngược lại, Iran sẽ ngay lập tức đáp trả; nói cách khác, cuộc chiến thực sự sẽ bắt đầu. Cuộc trả đũa nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại khu vực Trung Đông sẽ gây cho Mỹ không ít thiệt hại; đồng thời Iran sẽ dùng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung tiến công vào các cơ sở khai thác và lọc dầu của Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait và UAE, đẩy khủng hoảng ra toàn bộ khu vực.
Mặc dù có ưu thế vượt trội về tình báo trên không, mặt đất nhưng Mỹ không thể phát hiện hết được những trận địa tên lửa của Iran; đây sẽ là mối nguy cơ tiềm ẩn với Mỹ.
Bên cạnh đó, những hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có hiệu quả đến đâu, thì Mỹ vẫn không thể đánh chặn được tất cả các tên lửa của Tehran. Chỉ cần một số tên lửa của Iran đi trúng đích, cũng đủ gây thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Việc thực hiện một kịch bản như vậy trong thực tế sẽ dẫn đến sự hỗn loạn không thể tưởng tượng được của nền kinh tế toàn cầu và dầu sẽ tăng giá tăng giá với mức phi mã với ước tính thấp nhất lên tới 200 - 250 USD/thùng. Đây có lẽ là khả năng lớn nhất ngăn cản Mỹ tấn công Iran vào lúc này.
Để giải quyết vấn đề Iran một lần và mãi mãi, Mỹ cần thực hiện một cuộc xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ của đất nước này như chiến dịch "Tự do bền vững" xâm lược Iraq năm 2003; dùng sức mạnh quân sự đè bẹp quân đội và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), xóa bỏ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Iran trong 10 đến 15 năm.
Nhưng trên thực tế, trong gần 18 năm chiếm đóng Afghanistan, một đất nước có diện tích, dân số nhỏ hơn Iran; nhưng Mỹ đã không bình định được mảnh đất này, máu vẫn đổ và kết quả đạt được gần như bằng không.
Nga sẽ hỗ trợ quân sự Iran?
Trong khi tình hình căng thẳng dâng cao tại khu vực Trung Đông, ngày 20 tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Moscow không muốn một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran.
Trả lời câu hỏi về tác động của cuộc xung đột Mỹ - Iran ảnh hưởng đến Nga như thế nào, Tổng thống Putin cho rằng, mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn hơn trong các cuộc chiến của Mỹ với Iraq năm 1991 và 2003.
Nhưng hiện tại một phần đáng kể lãnh thổ của Nga (chủ yếu là các khu vực miền nam) nằm trong tầm bắn của nhiều loại tên lửa đạn đạo Iran.
Giả thiết liệu Nga có hỗ trợ các hoạt động quân sự cho Iran trong trường hợp xảy ra xung đột không; câu trả lời là rất khó, kể cả hiện nay Nga và Iran có là đồng minh vì các lý do:
Để Iran có thể đối phó được với Mỹ trong một cuộc xung đột vũ trang, Tehran phải nâng cấp mạnh mẽ quân đội và hải quân; không tính về góc độ tài chính, chỉ riêng góc độ kỹ thuật thì cũng cần đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nếu trong khoảng thời gian ngắn, để nâng cấp quân đội Iran có khả năng đối phó được với quân đội Mỹ, thì điều này hoàn toàn không hề có tính khả thi.
Ví dụ: Việc thực hiện hợp đồng cung cấp một trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph phải mất tối thiểu là 2 năm. Với thực lực hiện tại của Iran, cần phải xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại gần như từ đầu, như trang bị máy bay tiên tiến nhất, các hệ thống phòng không, tác chiến điện tử, các hệ thống thông tin liên lạc, hạm đội tàu nổi và tàu ngầm…
Nếu trong thời gian ngắn, việc cung cấp cho Tehran ngay cả những vũ khí hiện đại nhất mà Nga hiện có, cũng sẽ không giải quyết được căn bản bất kỳ vấn đề nào trong khả năng phòng thủ của Iran.
Trong thời điểm hiện tại, Iran có rất ít có sự ủng hộ từ các quốc gia khác. Nếu Nga đồng ý giúp Iran, các nhà lãnh đạo Nga phải chứng minh được các lợi ích về chính trị, quân sự và kinh tế; những lợi ích mang lại phải tương xứng, để Nga tham gia vào một cuộc đối đầu vũ trang như vậy.
Nhưng không quốc gia nào trên thế giới có khả năng hỗ trợ Nga trong cố gắng giải quyết các vấn đề của Tehran. Một hành động như vậy của Moscow, chắc chắn sẽ dẫn đến việc cô lập Nga trên bình diện quốc tế.
Do đó, chính sách thực tế nhất của Moscow trong trường hợp này là lên án sự can thiệp quân sự của Mỹ vào khu vực vùng Vịnh và tránh xa những rắc rối có thể, bởi đây không phải là cuộc chiến liên quan đến lợi ích của nước Nga.
Nếu Iran thất bại quân sự trước đòn tiến công tổng lực của Mỹ, ngoài các hậu quả khác, có thể dẫn đến tình hình ở Syria trở nên trầm trọng hơn, bởi vì hiện nay, Teheran đang tài trợ cho các hoạt động của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự.
Chúng ta không nên quên rằng Iran là một trong ba bên (cùng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) bảo đảm cho tiến trình hòa bình Astana. Ngoài ra, hiện nay trên lãnh thổ Syria còn có đông lực lượng thân Iran, bất kể hiệu quả chiến đấu của họ như thế nào, lực lượng này vẫn đóng góp cho chính phủ hợp pháp của Syria và góp phần ổn định tình hình ở đất nước này.