Ngày nay tiền mặt có vẻ lỗi thời, đặc biệt là khi các cuộc tranh luận về tiền kỹ thuật số gia tăng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen thậm chí còn đang phải trả lời các câu hỏi về ý tưởng đúc một đồng xu bạch kim trị giá nghìn tỷ USD để ngăn chặn cuộc khủng hoảng trần nợ.
Nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, tiền mặt vẫn là vua.
Vào tháng 12/2022, bà Yellen đã làm nên lịch sử trong chuyến đi tới Cục Khắc và In ấn của kho bạc Mỹ ở Fort Worth, Texas. Tại đây bà đã ký các tờ tiền kỷ niệm khi ra mắt một loạt tờ USD mới.
Đây là lần đầu tiên tiền giấy của ngân hàng Mỹ - từng được ký bởi 29 bộ trưởng tài chính tiền nhiệm, có chữ ký của một nữ bộ trưởng.
Nó cũng đánh dấu một trong những dịp hiếm hoi khi đồng tiền Mỹ được làm lại. Dưới đây là quy trình chi tiết.
1.Sau khi thiết kế tiền mới được cập nhật, bao gồm cả chữ ký mới, nó sẽ được khắc trên các tấm kim loại được sử dụng để in
Quá trình tạo ra tờ tiền đòi hỏi đội ngũ thiết kế và thợ khắc giàu kinh nghiệm, những người khắc những chiếc đĩa có chân dung, họa tiết, chữ và hoa văn trang trí. Các thiết kế được chế tác với cả tính thẩm mỹ và an ninh.
Một công cụ được gọi là pantograph, đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ, sẽ giúp chia tỷ lệ các bản khắc sao cho chúng có thể vừa với các “bảng làm việc”, đồng thời được sao chép lại ở kích thước nhỏ hơn và được in trên các tờ tiền được trao đổi trên khắp thế giới.
Việc thiết kế lại đồng tiền có thể mất nhiều năm, trừ khi một bộ trưởng Tài chính mới tiếp quản. Chữ ký mới thường được thêm vào tiền sau vài tháng, bắt đầu bằng một chữ ký nghi lễ được chụp kỹ thuật số và khắc trên các tấm kim loại - khối chính để in các tờ tiền.
Chữ ký của bộ trưởng đôi khi có thể khá khó đọc.
Bà Yellen từng nói đùa hồi tháng 12 rằng những người sáng lập nước Mỹ chắc đã không ngờ đến “chữ viết tay khủng khiếp” của các bộ trưởng tài chính quốc gia và thừa nhận rằng bà đã phải luyện viết.
2.Tiếp theo, các kỹ thuật viên sẽ dựng các tấm lớn để chuyển hình ảnh sang giấy
Công cụ in này yêu cầu một bộ ba đến bốn tấm kim loại, mất tới 8 ngày để sản xuất. Các hình ảnh được chuyển sang các tấm bằng cách sử dụng những gì giống như khuôn cắt bánh quy khổng lồ, được gọi là khuôn thép. Sau đó, các tấm phải được làm sạch và đánh bóng.
Sau khi các tấm được kiểm tra, chúng sẽ được mạ crôm đủ cứng để đi qua máy in. Cần một lực 65 tấn để chuyển hình ảnh từ các tấm lên giấy.
3.Việc in tiền mất vài bước: In mặt sau của tờ tiền, sau đó kiểm tra trước khi chuyển sang mặt trước
Các tờ tiền được in bằng hỗn hợp mực đen và mực chuyển màu, hoặc mực kim loại dành cho mệnh giá cao hơn. Loại mực này là một hỗn hợp đặc biệt do Cục Khắc và In phát triển để tránh làm giả.
Đối với hầu hết các mệnh giá, máy in “offset” tốc độ cao - có thể in 10.000 tờ mỗi giờ - được sử dụng để tạo các lớp màu cơ bản. Các chi tiết phức tạp hơn được thực hiện bằng tấm in, sử dụng quy trình được gọi là intaglio, trong đó mực được phết lên các bản khắc và chuyển sang giấy với áp lực lớn. Trong trường hợp tờ 1 USD và 2 USD, in offset không được sử dụng mà in tấm là bước đầu tiên.
Số lượng người tham gia vào quá trình in tiền Mỹ rất lớn. Có 1.500 nhân viên và nhà thầu làm việc tại các cơ sở ở Washington và Fort Worth. Kevin Patton, người trong hình dưới đây đang kiểm tra một tờ USD chưa cắt, đã làm việc tại Cục Khắc và In trong 11 năm.
Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng diễn ra trong suốt quá trình in ấn. Người kiểm tra đảm bảo rằng mực được truyền đúng cách lên giấy mà không có bất kỳ vết bẩn hoặc vết ố không mong muốn nào. Những lỗi này có thể do có quá nhiều mực hoặc không đủ áp lực.
Trước khi có thể bắt đầu in mặt trước tờ tiền, họ kiểm tra lại các bản in một lần nữa để phát hiện khuyết điểm, làm sạch và đánh bóng. Không có chi tiết nào là quá nhỏ: Ngay cả nếu con đại bàng Mỹ thiếu một chiếc lông, họ cũng phải sửa lại.
Chữ ký của Bộ trưởng Tài chính, được in ở góc dưới cùng bên phải của mỗi tờ tiền, cũng phải được kiểm tra.
Cuối cùng, các tờ tiền bắt đầu tuôn ra khỏi máy in.
4.Sử dụng kính lúp và hệ thống máy tính công nghệ cao để kiểm tra các tờ tiền lần cuối
Người vận hành máy sẽ thường xuyên kéo các tờ tiền ra để kiểm tra lỗi giấy và để đảm bảo rằng màu sắc và thiết kế được căn chỉnh chính xác.
Chữ ký của bộ trưởng tài chính cũng phải được kiểm tra lại để đảm bảo không bị nhòe và hoàn toàn dễ đọc.
Những tờ tiền chưa cắt cũng được kiểm tra bằng một hệ thống máy tính tiên tiến, sử dụng máy ảnh và phần mềm để đảm bảo kiểm soát chất lượng của số lượng lớn tờ tiền. Các tờ có vấn đề được chuyển sang một hệ thống kiểm tra khác cho phép bảo quản những tờ tiền tốt và phần còn lại sẽ bị hủy.
5.Các thiết bị tiên tiến được sử dụng kết hợp trong giai đoạn cuối cùng để cắt các tờ tiền và hoàn thiện
Máy cho phép in, kiểm tra, cắt và đóng tệp tiền nhanh hơn.
Lớp in cuối cùng là in chữ. Ở giai đoạn này, hai số series màu xanh lá cây và bốn số chỉ định của Cục Dự trữ Liên bang (FED) được thêm vào.
Cuối cùng, con dấu của FED và Bộ Tài chính được in lên các tờ tiền.
6.Sau khi cắt máy các tờ tiền, các bộ phận đóng gói và gửi tiền đến kho của Cục Dự trữ Liên bang
Các nhân viên chia tiền thành mỗi "đai" gồm 100 tờ - đai buộc tiền là một dải giấy trắng được đánh mã màu và ghi mệnh giá.
Những tệp này sau đó được xếp thành từng bó và buộc lại để tạo thành một “viên gạch” tiền, sau đó được bọc lại.
Những viên gạch này được xếp cùng nhau theo nhóm bốn viên để tạo thành một “gói tiền” chứa 16.000 tờ tiền đã sẵn sàng đưa vào lưu thông. Từ đó, chúng được chuyển đến kho tiền của Cục Dự trữ Liên bang và được phân phối vào hệ thống ngân hàng.
Đồng tiền mới của Mỹ dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm nay, nhưng thời điểm chính xác tùy thuộc vào ngân hàng trung ương.
Mặc dù khoảng 40% người Mỹ “không dùng tiền mặt” trong chi tiêu hàng tuần, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn 2 nghìn tỷ USD tiền mặt đang được lưu hành.
Và trong khi nhiều người có thể chưa bao giờ nghĩ đến việc những tờ USD nhàu nát trong túi của họ thực sự được tạo ra như thế nào, việc in một trong những đồng tiền có vai trò quan trọng trên thế giới cũng là một quá trình đầy tỉ mỉ.
Nguồn: New York Times