Vùng Sừng châu Phi được xem là tâm điểm của hoạt động quân sự nước ngoài ở châu Phi. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Tạp chí Foreign Affairs nhận định, Nga và Trung Quốc đang vượt trội hơn so với Mỹ trong cuộc tranh giành quyền thống trị ở châu Phi.
Theo đó, các nhà phân tích của tạp chí này đã ghi nhận sự tăng trưởng hoạt động kinh tế và quân sự của Moscow và Bắc Kinh trên lục địa châu Phi trong những năm gần đây, Nga đã mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình trong khu vực, chẳng hạn như bằng cách ký kết các thỏa thuận quân sự với 19 quốc gia.
Ngoài ra, các chuyên gia của tạp chí cũng chỉ ra rằng cách tiếp cận tiêu chuẩn của Mỹ trong tương tác với các nước châu Phi là công việc của các đại sứ Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, các đại diện ngoại giao này không có đủ số lượng nhân viên cần thiết, cũng như đủ động lực để tương tác không chỉ ở cấp trong nước, mà còn ở cấp tổ chức khu vực để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Đặc biệt, điều này liên quan đến cuộc chiến chống lại các phong trào nổi dậy của các chiến binh thánh chiến, hoạt động khắp khu vực và không nằm trong khuôn khổ của bất kỳ quốc gia châu Phi nào.
Các nhà phân tích kết luận rằng bất kỳ chiến lược nào của Mỹ để giải quyết vấn đề này đều phải mang tính xuyên quốc gia.
Đặc biệt, theo Foreign Affairs việc cần thiết phải kích hoạt Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) để trở thành đối tác ưu tiên của các nước châu Phi. Ngoài ra, chiến lược mới nên bao gồm việc cung cấp hỗ trợ quân sự và phi quân sự, sẽ được điều phối ở cấp khu vực. Cuối cùng, các chuyên gia nói về sự cần thiết của các đại diện khu vực, những người mà các hoạt động của họ sẽ do Tổng thống Mỹ kiểm soát.
Theo các thống kê, ít nhất 13 cường quốc nước ngoài đang có sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Trong đó, đáng chú ý nhất là Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Hiện Mỹ có 7.000 quân nhân luân phiên hoạt động ở châu Phi. Họ có mặt tại các tiền đồn quân sự trên khắp lục địa, như ở Uganda, Nam Sudan, Senegal, Niger, Gabon, Cameroon, Burkina Faso và Cộng hòa Congo, để chống lại các phần tử cực đoan ở châu Phi. Ngoài ra, 2.000 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ huấn luyện tại 40 quốc gia châu Phi, trong khi lực lượng đặc nhiệm hoạt động ở Kenya và Somalia.
Trong khi đó, tờ Bild của Ðức trích dẫn báo cáo bí mật của Bộ Ngoại giao Ðức cho biết, Nga đang xây dựng các căn cứ quân sự ở 6 nước châu Phi, gồm Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Eritrea, Madagascar, Mozambique và Sudan. Báo cáo cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin coi “châu Phi là ưu tiên hàng đầu” và các căn cứ này là một phần trong tham vọng châu Phi của Moscow. Theo báo cáo, kể từ năm 2015, Nga đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự với 21 quốc gia châu Phi.
Đối với Trung Quốc, trong giai đoạn 2008-2018, Hải quân nước này triển khai 26.000 quân nhân tham gia các hoạt động an ninh hàng hải ở khu vực. Năm 2018, Trung Quốc đưa vào hoạt động căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, sau khi Mỹ thành lập Trại Lemonnier ở Djibouti hồi năm 2003. Theo The Conversation, căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti rộng tới 36 hecta, là nơi đồn trú của hàng ngàn binh sĩ, đảm trách cung cấp khí tài quân sự cho tàu, trực thăng và máy bay. Nhiệm vụ của căn cứ này là hỗ trợ hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, thu thập thông tin tình báo các nước khác, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và chống khủng bố.
Những sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, nổi bật trên khắp thế giới trong tuần vừa qua được các nhiếp ảnh gia ghi lại qua những bức ảnh đặc sắc dưới đây.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: