Mỹ hoan nghênh Việt Nam tham gia RIMPAC 2018

Thu Hằng |

Hành động của Trung Quốc tại biển Đông hoàn toàn trái ngược với mục đích của RIMPAC nên giới chức cấp cao Mỹ quyết định hủy lời mời nước này

Lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), sự góp mặt của Việt Nam được Phó Đô đốc John D. Alexander, Tư lệnh Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, hoan nghênh tại cuộc họp báo qua điện thoại có sự tham dự của Báo Người Lao Động hôm 29-6.

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ

"Hải quân Việt Nam đã cử đoàn sĩ quan tới góp mặt trong nội dung diễn tập Sở Chỉ huy hợp phần Hỗ trợ nhân đạo - giảm nhẹ thiên tai. Tôi nghĩ việc mời Việt Nam là một điều tốt. Thật tuyệt vời khi Hải quân Việt Nam tham gia RIMPAC năm nay" - ông Alexander nhấn mạnh.

Vị phó đô đốc này đóng vai trò tư lệnh Lực lượng tác chiến liên hợp (CTF), gồm toàn bộ các tàu chiến, máy bay và đơn vị bộ binh tham gia RIMPAC 2018.

Trước báo giới khắp khu vực, ông Alexander nhắc lại chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson hồi đầu tháng 3, đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam trong hơn 40 năm. Đây được coi là một trong những sự kiện giúp tăng cường hợp tác quân sự hai nước.

Tại RIMPAC năm nay, USS Carl Vinson đóng vai trò chỉ huy đội tàu hùng hậu của Mỹ.

Theo TTXVN, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử 8 sĩ quan tham mưu tới Hawaii để tham gia tập trận, với mục đích học hỏi kinh nghiệm, phát triển năng lực, tiến tới đăng cai tổ chức các sự kiện đối ngoại quốc phòng năm 2020 khi Việt Nam đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch ASEAN.

Theo nhận định của tờ báo quân sự Mỹ Stars & Stripes, việc Mỹ lần đầu mời Việt Nam tham gia RIMPAC đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ. Cùng với Việt Nam, Brazil, Israel và Sri Lanka cũng lần đầu tiên góp mặt tại cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới này.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc sau 2 lần liên tiếp tham gia RIMPAC 2014 và 2016 đã không có mặt trong cuộc tập trận quy tụ 25 quốc gia năm nay.

Phát biểu tại lễ khởi động RIMPAC 2018 tại Trân Châu Cảng hôm 28-6, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino thẳng thắn rằng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông hoàn toàn trái ngược với mục đích của cuộc tập trận, bởi vậy quyết định hủy lời mời nước này đã được đưa ra từ cấp rất cao của Mỹ.

Khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc ở nơi có thể, ông Aquilino cũng nhấn mạnh Washington sẽ cạnh tranh và đối đầu với Bắc Kinh ở nơi phải đối đầu. "Cuộc tập trận này là về các quốc gia hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - vị đô đốc nói.

Hồi năm 2016, Trung Quốc đã đưa 5 tàu và khoảng 1.200 nhân sự tới cuộc tập trận được tổ chức 2 năm một lần nói trên. Tuy nhiên, sự vắng mặt của họ tại RIMPAC năm nay không mấy ảnh hưởng, theo lời đô đốc Aquilino.

Có điều giới chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể trở thành "khách không mời" bằng cách triển khai các tàu do thám Type-815 để theo dõi. Việc tàu do thám Bắc Kinh xuất hiện ngay ở cả những lần được mời tập trận trước đó từng khiến giới chức Hải quân Mỹ cực kỳ khó chịu.

Nhiều nét mới

RIMPAC năm nay quy tụ 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh sĩ. Một điểm mới đáng chú ý là các hoạt động tập trận bắn đạn thật, trong đó Lực lượng Tác chiến đa miền của lục quân Mỹ sẽ bắn chìm tàu trên biển bằng tên lửa diệt hạm NSM do Na Uy sản xuất và không quân thả tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM. Đây là lần đầu tiên các hoạt động này được tiến hành trong tập trận RIMPAC.

Bên cạnh đó, Philippines góp phần tạo một nét mới khi lần đầu tiên đưa 2 tàu tới, gồm một tàu khu trục nhỏ và một tàu đổ bộ, còn Chile trở thành quốc gia đầu tiên ngoài nhóm thành viên sáng lập RIMPAC được tham gia bộ chỉ huy cuộc tập trận.

Chuẩn Đô đốc Hải quân Chile Pablo Niemann đảm nhận trọng trách chỉ huy hợp phần lực lượng biển của sự kiện, tức nhóm 52 tàu chiến sẽ nằm dưới sự chỉ huy của ông.

Ngoài ra, Chuẩn Đô đốc Hideyuki Oban thuộc Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản đứng đầu hoạt động diễn tập cứu trợ nhân đạo - phòng chống thảm họa trong khi Thiếu tướng thủy quân lục chiến Mỹ Mark Hashimoto chỉ huy lực lượng tác chiến đổ bộ. Thiếu tướng Craig Heap của Không quân Úc chịu trách nhiệm đứng đầu lực lượng phi cơ…

Giới chức Mỹ ước tính cuộc tập trận kéo dài tới ngày 2-8 này có thể bơm khoảng 50 triệu USD vào nền kinh tế địa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại