Năm 2012, khi thúc giục chính quyền Mỹ phát động một cuộc không kích nhằm vào Syria, Ngoại trưởng Mỹ thời điểm đó là bà Hillary Clinton đã lập luận trong một email gửi đi được WikiLeaks tiết lộ rằng, nước Nga "sẽ không cản đường", giống như họ đã chỉ phàn nàn mà gần như không hành động gì hồi Mỹ và đồng minh đánh bom Nam Tư cũ năm 1999.
Tuy nhiên, điều mà bà Hillary chưa đánh giá đúng mức, đó là lãnh đạo nước Nga lúc này là Tổng thống Vladimir Putin chứ không phải ông Boris Yeltsin! Nhưng ngay cả năm 1999, dưới thời Boris Yeltsin, mọi chuyện diễn ra cũng không hoàn toàn chỉ là "ca thán".
Khi cuộc chiến NATO - Nam Tư gần đi đến hồi kết, ông Yeltsin đã ra lệnh cho 300 lính gìn giữ hòa bình Nga ở Bosnia nhanh chóng di chuyển về sân bay Priština ở Kosovo và chiếm giữ nó trước khi quân NATO chuyển đến từ phía Nam.
Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Wesley Clarke đã ra lệnh cho tướng Anh Michael Jackson phải chiếm được sân bay đó trước người Nga nhưng ông này đã từ chối tuân lệnh với lý do "không muốn kích hoạt Thế chiến thứ Ba".
Một khối NATO hùng mạnh đã phải "dè chừng" một nước Nga đang suy yếu vào thời điểm đó. Như vậy, năm 1999, nước Nga không chỉ có "phàn nàn" mà đã chủ động hành động mặc dù những diễn biến về sau này không mấy tích cực.
Lực lượng lính dù Nga tiến về căn cứ không quân Slatina năm 1999
Với Syria, Nga một lần nữa còn hành động nhiều hơn thế. Đối ngược với "hy vọng" của bà Clinton 3 năm trước đó, năm 2015 Nga chính thức can dự vào cuộc chiến ở Syria, cũng với lý do chống khủng bố nhưng rất chính danh theo đề nghị của Tổng thống Bashar Hafez al-Assad.
Có một sự khác biệt rõ ràng về vai trò và mức độ can dự của Nga ở Nam Tư trước đây, Syria hiện nay và có thể là Venezuela tới đây.
Tại Nam Tư, Nga nhảy vào cuộc sau khi Mỹ và NATO đã giải quyết xong mọi thứ và rồi không thành công bởi đã quá muộn. Ở Syria, Nga cũng để liên quân do Mỹ đứng đầu can dự trước nhưng đã chủ động tham gia và mọi việc đã diễn ra theo chiều hướng khác, nó cho thấy rất rõ vai trò "thay đổi cuộc chơi" của Moscow.
Với Venezuela, dường như Nga không có ý định để cho Mỹ vào cuộc đầu tiên. Việc Nga triển khai một lực lượng quân sự nhỏ tới Venezuela thời gian vừa qua là một tín hiệu quan trọng với nhiều hàm ý. Lần này, nước có sự hiện diện quân sự đầu tiên tại hiện trường là Nga chứ không phải Mỹ.
Lính không quân Nga đứng trước máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 tại Sân bay Quốc tế Maiquetia ở phía Bắc Thủ đô Caracas, Venezuela ngày 10/12/2018
Nga có thể sẽ không áp dụng vai trò là nước "bảo trợ" chiến tranh cho Venezuela (như cách họ đã từng làm với Cuba những năm 1960) hoặc sẽ điều thêm lính chiến tới đây nhằm giúp Venezuela đối phó với một cuộc tấn công tiềm ẩn của Mỹ bởi làm như vậy sẽ chỉ phản tác dụng.
Tuy nhiên, rất nhiều khả năng Nga đã quyết định tạo ra một rào cản trực tiếp ngăn chặn ý đồ can dự quân sự của Mỹ vào Venezuela như Liên Xô từng hậu thuẫn cho nhiều quốc gia châu Phi thời chiến tranh Lạnh. Đó là chỉ cử một số lượng có giới hạn các chuyên gia kỹ thuật cao để đáp ứng những sứ mệnh phi tác chiến chủ chốt.
Người Mỹ có lẽ đang "đoán già đoán non" về số binh lính Nga gửi tới Venezuela biết đâu đấy chẳng bao gồm các chuyên gia tác chiến mạng và các kỹ sư vận hành hệ thống tên lửa S-300. Các chuyên gia tác chiến điện tử và tình báo tính hiệu cũng không thể loại trừ.
Dù vai trò chính xác của Nga tại Venezuela có như thế nào thì vấn đề quan trọng hơn tất cả, là lần này người Nga đã đi trước người Mỹ. Điều này không có nghĩa họ sẽ ở đây vĩnh viễn. Nếu tình hình ổn định, Nga có thể sẽ rút lui.
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, Moscow dường như đã rút ra được bài học rất quan trọng từ Nam Tư và Syria: Để Mỹ can dự trước là hết sức rủi ro.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Nga đáp xuống Venezuela