Trung Quốc từ hòa dịu...
Nguồn tin trong chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh tiết lộ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), việc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tuần trước nêu ý tưởng thăm Trung Quốc vào cuối năm nay đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc đã "không sẵn sàng hay có nhận thức" về động thái bất thường này.
Thông điệp của ông Esper đưa ra chỉ vài giờ sau khi căng thẳng bùng lên giữa Mỹ và Trung Quốc, xoay quanh chuyện Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại Houston, bang Texas.
Đề nghị thăm Trung Quốc được Bộ trưởng Esper nhắc đến trong bài diễn văn ngày 28/7, trong đó ông cáo buộc Bắc Kinh "vi phạm các quy định một cách có hệ thống" và "hành xử hung hăng" - đặc biệt trong vấn đề biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ phản hồi rằng họ "ghi nhận" ý kiến của người đứng đầu Lầu Năm Góc về việc tăng cường "quản lý khủng hoảng", cho thấy Bắc Kinh trở nên thận trọng giữa bối cảnh hai nước rơi vào khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1979.
Vụ căng thẳng - hệ quả là Trung Quốc trả đũa bằng yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô - diễn ra trong khi Bắc Kinh chờ đợi phản hồi tích cực từ Washington đối với đề nghị của Ngoại trưởng Vương Nghị trong tháng 7 về việc tái khởi động các liên hệ song phương, thông qua kích hoạt lại "tất cả kênh đối thoại" song phương.
Song cử chỉ hòa dịu hiếm thấy của ông Vương vấp phải thái độ ngày càng cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong nỗ lực thể hiện lập trường mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc để hướng tới mục tiêu tái đắc cử.
Yun Sun, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói với SCMP: "Ông Vương đang thực sự tìm kiếm phương hướng để hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ, bởi Trung Quốc lo ngại về xu hướng lao dốc quan hệ". Song hàng loạt động thái của Mỹ giống như "cú tát vào mặt Bắc Kinh" sau khi Trung Quốc đã "chìa cành ô liu".
... đến chuyển sang quyết liệt
Trong những tuần trước khi vụ lùm xùm lãnh sự quán xảy ra, Mỹ đã gia tăng đáng kể sức ép lên Bắc Kinh, bao gồm các động thái răn đe trên biển Đông, cấm vận về vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, cùng với việc làm ấm quan hệ với đảo Đài Loan.
Dù việc giới chức Mỹ-Trung "khẩu chiến" không còn là chuyện mới, các quan chức Trung Quốc thường tránh đề cập cụ thể danh tính các lãnh đạo Mỹ, ngay cả trong giai đoạn căng thẳng cao điểm do chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, kể từ ngày 13/7, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thẳng thừng tuyên bố các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp", thì ông Vương Nghị đã thay đổi thái độ và có ít nhất 5 lần công kích trực diện nhằm vào các quan chức Mỹ.
Trong phiên họp với các đồng cấp từ Philippines, Đức, Pháp, Nga, Việt Nam, ông Vương Nghị chỉ trích mạnh "các lực lượng chống Trung Quốc" tại Mỹ là bắt nạt, khiêu khích và hoang tưởng.
Các Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc như Lạc Ngọc Thành, La Chiếu Huy và Trịnh Trạch Quang cũng hưởng ứng cấp trên trong chiến dịch đối đầu trực diện Mỹ và lên án chính quyền Trump trong hàng loạt hội nghị song phương và đa phương với các đối tác ở Đông Nam Á lẫn châu Âu.
"Tôi cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc, hay cả chính phủ Trung Quốc, thấy rằng họ không thể thất bại trong phản ứng trước đòn tấn công của Mỹ. Họ không muốn tỏ ra yếu ớt," Yun Sun bình luận. Theo bà, mục đích các hoạt động đối ngoại mạnh mẽ của Bắc Kinh chủ yếu nhằm "tránh bị cô lập và lôi kéo ủng hộ quốc tế".
Trao đổi với đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, một ngày sau thông điệp của ông Pompeo về biển Đông, ông Vương Nghị cáo buộc Mỹ châm ngòi cho căng thẳng khu vực bằng cách gửi ba tàu sân bay đến vùng biển này trong vòng 1 tháng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên họp hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7/2017 (Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)
Ông Vương cũng tìm cách làm việc với Pháp và Đức nhằm khoét sâu bất đồng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và các đồng minh, với các thông điệp chính trị gửi tới Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 28/7 và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 24/7.
Ngoại trưởng Vương Nghị đặc biệt công kích gay gắt ông Pompeo về bài diễn văn mà Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố 50 năm tiếp xúc về kinh tế và chính trị giữa hai nước đã thất bại. Trao đổi với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/7, ông Vương nói Mỹ "đánh mất lý trí, đạo đức và uy tín" khi khơi dậy tâm lý Chiến tranh Lạnh.
"Phát ngôn về 'tâm lý Chiến tranh Lạnh' cùng mục tiêu chia rẽ châu Âu với Mỹ không có gì mới," Tim Ruhlig, nhà nghiên cứu từ Viện Vấn đề Quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển), đánh giá. "Nó có hai mục đích: Chống trả lại những chỉ trích và chìa tay cho người châu Âu như những đối tác tiềm năng."
Ngoại giao "Chiến binh sói" gây tranh cãi
Các nhà phân tích cho rằng trong khi lập trường cứng rắn quá mức từ chính quyền Trump có thể phản tác dụng, thì phản ứng theo phong cách ngoại giao "Chiến binh sói" của Trung Quốc cũng gây tranh cãi.
Zhu Zhiqun, giáo sư về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, Mỹ, cho rằng điều không may là cả Mỹ và Trung Quốc "đều đang áp dụng phong cách ngoại giao Chiến binh sói, với các quan chức cấp cao sử dụng ngôn từ ngoại giao nhằm đổ lỗi cho đối phương trong tất cả vấn đề song phương."
Dù hầu hết đồng minh của Mỹ chia sẻ với chính sách của Washington về Hồng Kông, Tân Cương, biển Đông hay an ninh mạng, các nước này "không nhất thiết ủng hộ cách tiếp cận đối đầu" của Mỹ đối với Trung Quốc.
Ông Ruhlig tin rằng Trung Quốc gần như đã bỏ lỡ cơ hội khai thác sự phớt lờ của ông Trump trong việc gây dựng quan hệ đồng minh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.
"Khó khăn chủ yếu là Trung Quốc đã không chứng tỏ được mình là một đối tác thích hợp hơn. Khi Mỹ gây sức ép lên châu Âu, Trung Quốc thông thường cũng áp dụng những chiến thuật rất giống như thế," chuyên gia Thụy Điển nói.
Trung Quốc lảng tránh vấn đề cơ bản
Bà Yun Sun nhận định lập trường ngày càng quyết liệt của ông Vương Nghị, bên cạnh quan điểm của Trung Quốc rằng nước này "vô tội" và mọi sai lầm đều đến từ Mỹ, có thể sẽ không đi đến kết quả như nước này mong đợi.
Việc đổ lỗi cho chiến dịch của ông Trump về chính sách chống Trung Quốc "hoàn toàn lảng tránh câu hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc" trong quan hệ song phương lao dốc - bà nói.
"Các nước châu Á và châu Âu bày tỏ quan ngại về Trung Quốc không phải bởi Mỹ yêu cầu họ làm vậy, mà do có những vấn đề cụ thể với Trung Quốc khiến họ lo lắng. Thế nhưng không có sự tự nhìn nhận nào từ phía Trung Quốc."
SCMP cho hay, đa số chuyên gia không nhận thấy Mỹ có thể sớm gây dựng được một liên minh chống Trung Quốc, song họ cảnh báo biện pháp ngoại giao quyết liệt của Bắc Kinh cũng sẽ đẩy các nước ra xa.
"Nếu Bắc Kinh kiên quyết với cách tiếp cận này, sự hình thành một liên minh phản ứng với 'thách thức Trung Quốc' sẽ trở nên rõ ràng hơn," ông Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của trường SOAS (SOAS China Institute) thuộc Đại học London, nói.
Bà Sun bình luận, Trung Quốc không nên mơ tưởng nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc và đặt kỳ vọng vào ứng viên Dân chủ Joe Biden với mong muốn khởi động lại quan hệ hai nước.
"Dù phong cách và hướng tiếp cận của ông Biden với Trung Quốc có thể rất khác, nhưng quan điểm về mối đe dọa Trung Quốc là một vấn đề được lưỡng đảng Mỹ nhận thức chung," bà nói. "Nếu Trung Quốc nghĩ rằng có thể tự động trở về trạng thái 'bình thường' sau tháng 11 tới mà không phải thay đổi gì thì đó sẽ là đánh giá sai lầm, có thể đặt nền móng cho nhiều thảm họa hơn."
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus