Hàn Quốc và Mỹ hôm 1/4 bắt đầu cuộc tập trận quân sự hàng năm, vốn bị trì hoãn nhiều ngày qua để tạo điều kiện thuận lợi cho Thế vận hội Mùa đông diễn ra tại Hàn Quốc.
CHDCND Triều Tiên luôn lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn khiến dư luận lo ngại cuộc tập trận này có thể ảnh hưởng đều bầu không khí đối thoại đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào cuối tháng này và khả năng là Hội nghị Mỹ-Triều vào tháng 5 tới.
Cuộc tập trận quân sự Đại bàng non với sự tham gia của bộ binh, hải quân và đặc nhiệm kéo dài 1 tháng. Trong khi đó tập trận Giải pháp then chốt sẽ diễn ra trong 2 tuần bắt đầu từ giữa tháng 4. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 2 cuộc tập trận với sự tham gia của khoảng 23.700 binh lính Mỹ và 300.000 binh sĩ Hàn Quốc.
Thông báo về cuộc tập trận người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết:
“Các cuộc diễn tập dự kiến bắt đầu vào mùng 1/4 và sẽ được tiến hành với quy mô tương tự như những năm trước đó. Phía Hàn Quốc đã thông báo cho quân đội Triều Tiên về lịch trình cuộc diễn tập và khẳng định rằng đây là một cuộc diễn tập hàng năm và mang theo định hướng phòng vệ”.
Nếu "Giải pháp then chốt" là diễn tập về các tình huống giả định, như trường hợp nổ ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, thì "Đại bàng non" lại đòi hỏi huy động binh lực và vũ khí chiến đấu thực tế. Cuộc tập trận này có sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm cả bộ binh, hải quân và không quân. Các quan chức quân sự tại Hàn Quốc cho biết qui mô cuộc tập trận sẽ không thay đổi so với những năm trước.
Đây là cuộc tập trận quân sự diễn ra hàng năm và thường xuyên phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của CHDCND Triều Tiên. Triều Tiên cho rằng đây là kịch bản chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Bình Nhưỡng.
Các cuộc tập trận quân sự cũng diễn ra ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục gia tăng sức ép nhằm vào Triều Tiên, với việc liệt vào "danh sách đen" 27 tàu, 21 công ty và 1 doanh nhân giúp Triều Tiên tránh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Chính vì vậy, giới quan sát lo ngại điều này có thể khơi mào cho những phản ứng mạnh mẽ từ Triều Tiên, ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí hiện nay.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono hôm 1/4 cho biết, có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới. Những nhận định của Ngoại trưởng Nhật Bản có thể dựa trên hình ảnh vệ tinh do Mỹ cung cấp, với những thay đổi tại khu vực bãi thử hạt nhân mà Triều Tiên từng tiến hành các vụ thử nghiệm trước.
Mặc dù vậy giới quan sát cho rằng Mỹ và Hàn Quốc dường như đang cố gắng kiểm soát để tránh khiêu khích Triều Tiên. Ngay trước cuộc diễn tập, Mỹ và Hàn Quốc tránh phô trương quá mức về cuộc tập trận. Không có sự thay đổi về số binh lính tham gia, chương trình, cũng như cường độ của cuộc tập trận, nhưng thời gian diễn ra cuộc tập trận Đại bàng non đã được cắt ngắt trong vòng 1 tháng và theo như truyền thông quốc tế đưa tin thì cuộc tập trận không bao gồm các vũ khí chiến lược lớn của Mỹ.
Trong một thiện chí rõ ràng, phía Hàn Quốc đã thông báo lịch trình cuộc diễn tập với phía Triều Tiên.
Theo các quan chức Hàn Quốc, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng vào tháng trước cũng nhấn mạnh rằng rất khó để Hàn Quốc tiếp tục hoãn hay dừng các cuộc tập trận quân sự này và các điều đó sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đối thoại đang diễn ra.
Trong bầu không khí tích cực đang bao trùm bán đảo Triều Tiên, cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn được cho là phép thử tiếp theo đối với thái độ của Triều Tiên hướng đến đối thoại.
Mặc dù vậy, giới quan sát cũng nhận định, đây là thời điểm quan trọng nhưng cũng hết sức nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ với tuyên bố tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên cần phải có những bước đi thận trọng, tránh làm trệch tiến trình đối thoại tích cực đang được dư luận mong đợi trên bán đảo Triều Tiên./.