Theo vị đại diện của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), chiếc máy bay đầu tiên có mật danh Oghab là dòng máy bay chiến đấu không người lái có thể tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa.
Trong khi đó, chiếc còn lại có mật danh Shahin được phát triển và sản xuất theo kế hoạch mang bí danh Shahid Mohsen Ghotaslou. Chiếc máy bay này có thể thực hiện nhiệm vụ do thám liên tục hơn 20 giờ trên không.
Ngoài ra, Tướng Seyyed Kamal Peyambari, vị đại diện của IRGC cho biết kỹ thuật gây nhiễu sóng vô tuyến, tác chiến của 2 máy bay đã được thử nghiệm và thể hiện sự hoàn hảo ở các độ cao khác nhau trong cuộc tập trận quy mô lớn hôm 13/12 vừa qua.
Trước những thành công của Iran trong lĩnh vực quốc phòng, hãng thông tấn IRNA khẳng định, Tehran sẽ trở thành cường quốc quân sự tại Trung Đông. Theo nguồn tin này, cùng với 2 loại UAV nói trên, IRGC cũng vừa cho ra mắt loại UAV có thể mang bom.
Máy bay này được đặt tên Saeqeh "Tia sét" đã được công bố tại một triển lãm trưng bày thành tựu về vũ khí không chiến của Lực lượng Vệ bình Cách mạng Hồi giáo Iran.
IRNA dẫn tuyên bố của chỉ huy Không quân Iran, Thiếu tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết: "UAV hoạt động tầm xa này có thể tấn công cùng lúc 4 mục tiêu bằng bom điều hướng thông minh đạt độ chính xác cao".
Tướng Amir Ali Hajizadeh tự hào cho biết thêm, bất chấp lệnh cấm tứ phía từ phương Tây, nhưng các thế lực bên ngoài đã không thể ngăn được sự thành công của Iran trong lĩnh vực quân sự quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực không quân.
Ngay từ đầu thế kỷ này, Tehran đã phát triển 2 dòng chiến đấu cơ nội địa là Saeqeh (Thunderbolt) và Azarakhsh (Lightening), có ngoại hình tương đối giống nhau, chỉ phân biệt bởi 1 cánh đuôi đứng (Azarakhsh) và 2 cánh đuôi đứng (Saeqeh).
Bộ đôi chiến đấu cơ nội địa “nhái” F-5 Mỹ của không quân Iran đã cùng lộ diện trong cuộc tập trận Fadaeeyan - e Harim - e Vellayat III ở vùng Tây Bắc của nước này, hồi tháng 9/2011.
Trong cuộc tập trận này, cả Saeqeh lẫn Azarakhsh đã thể hiện khả năng tác chiến rất cao, ngang ngửa hoặc nhỉnh hơn các dòng máy bay nước ngoài đang hiện diện trong lực lượng không quân nước này như máy bay tiêm kích bom F-4, tiêm kích F-5 (Mỹ), máy bay chiến đấu Su-24, MiG-29 của Nga.
Các kỹ sư Iran còn trang bị thêm khả năng đánh chặn tên lửa cho dòng MiG-29 của Nga, hiện đại hóa và trang bị vũ khí đạn dược sản xuất trong nước cho các máy bay chiến đấu Mirage. Ngoài ra, họ còn phát triển máy bay huấn luyện cao cấp nội địa Kowsar để không phụ thuộc vào nước ngoài.
Vào tháng 1/2012, Phó tư lệnh Lực lượng Không quân Iran (IRIAF), tướng Aziz Nasirzadeh tiếp tục tuyên bố, Tổ hợp công nghiệp - quốc phòng nước này đang phát triển loại máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL), điều mà mới chỉ có vài nước trên thế giới làm được.
Sau đó, vào tháng 2/2013, Iran đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố đã nghiên cứu, thiết kế thành công và cho ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất Kẻ chinh phục-313 (Qaher-313), được xếp vào loại máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 5 cỡ nhỏ, giống F-35 của Mỹ.
Các chuyên gia quân sự phương Tây ngay lập tức cho rằng, Iran đang trưng mô hình giả để “lòe” thiên hạ bởi nước này không thể có khả năng chế tạo máy bay tàng hình, Qaher-313 có thiết kế rất thô, tỷ lệ kết cấu không cân đối nên hoàn có thể chỉ là một mô hình phóng đại.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm im hơi lặng tiếng, vào tháng 11/2013, hình ảnh một nguyên mẫu thật của Qaher-313 đang được vận chuyển trên xe vận tải chuyên dụng bất ngờ xuất hiện tại một Topic về vũ khí, trang bị Iran, trên diễn đàn quốc phòng Pakistan (Pakistan Defence).
Với sự xuất hiện lần thứ 2 trên thực địa (có thể đang được chuyên chở đến địa điểm thử nghiệm mặt đất), việc Iran nghiên cứu, chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình "Qaher-313" hoàn toàn không phải là “tin vịt”, hơn nữa nó đã đạt đến giai đoạn nguyên mẫu thử nghiệm mặt đất.
Điều này chứng tỏ, các kỹ sư Iran đủ khả năng chế tạo những chiến đấu cơ hiện đại, xếp vào dạng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, xét theo chương trình phát triển của các nước khác, máy bay chiến đấu thế hệ 5 của nước này chắc chắn sẽ phải mất tới ít nhất là 5 năm nữa.
Khi Qaher-313 thành công, cùng với dây chuyền công nghệ Su-30 của Nga, đến khoảng đầu thập niên 20 của thế kỷ này, không quân Iran sẽ trở thành một thế lực rất lớn ở Trung Đông, những nước mạnh nhất về không quân ở khu vực này như Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ, UAE cũng không phải là đối thủ.