Mỹ giáng một đòn mạnh vào tham vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc

An Huy |

Mỹ vừa giáng một đòn mạnh vào tham vọng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), trang CNN Business nhận định.

Cách đây ít ngày, Bộ Thương mại Mỹ đưa một loạt công ty khởi nghiệp (startup) đình đám của Trung Quốc về công nghệ nhận diện khuôn mặt, gồm SenseTime, Megvii và Yitu vào "danh sách đen" thương mại vì lý lo an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại. Động thái này đẩy xung đột giữa hai siêu cường kinh tế lên một cấp độ mới, cho thấy không bên nào muốn nhường bên nào vị thế thống trị về công nghệ trong tương lai.

SenseTime là startup AI đắt giá thứ nhì thế giới, đã được những hãng công nghệ lớn như SoftBank và Alibaba rót vốn, định giá ở mức 7,5 tỷ USD - theo dữ liệu của CB Insights. Startup AI đắt giá nhất hiện nay là một công ty Trung Quốc khác có tên ByteDance - công ty sử dụng AI cho những ứng dụng được ưa chuộng như nền tảng video TikTok.

Cũng theo CB Insights, Megvii và Yitu có mức định giá tương ứng lần lượt là 4 tỷ USD và 2,4 tỷ USD.

Cùng với các startup trên, bị Mỹ đưa vào "Danh sách Thực thể" trong đợt này còn có công ty camera an ninh Hikvision và công ty nhận diện giọng nói iFlytek. Tất cả những công ty này đều bị cấm mua sản phẩm và công nghệ của Mỹ nếu không có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc muốn đưa nước này trở thành một quốc gia đi đầu thế giới về AI vào năm 2030. Năm 2017, Bắc Kinh đặt mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp AI trong nước trị giá 150 tỷ USD sau vài năm.

Những lợi ích kinh tế và xã hội mà những bước đột phá về AI có thể mang lại là rất lớn. Máy móc dựa trên AI hiện đang được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới để cung cấp dịch vụ khách hàng, quản lý hậu cần, giám sát thiết bị trong các nhà máy, tối ưu hóa sử dụng năng lượng, và phân tích hồ sơ y khoa - theo một nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey. Thị trường của các ứng dụng AI trên toàn cầu sẽ đạt quy mô 127 tỷ USD vào năm 2025, theo McKinsey.

Trung Quốc có nhiều lợi thế để phát triển AI, bao gồm lực lượng trí thức trẻ đông đảo, chính sách ưu tiên của Chính phủ, và khoảng 850 triệu người sử dụng Internet di động, giúp tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ hàng ngày.

Đối với các công ty công nghệ toàn cầu, AI là một lĩnh vực mới mẻ để khai phá. Các hãng lớn như Alphabet hay IBM đều đã đổ tiền vào AI.

Các "đại gia" công nghệ Trung Quốc cũng không bỏ qua xu hướng này. Baidu và Tencent đều đã mở các trung tâm AI ở Mỹ.

SenseTime, Megvii và Yitu là những công ty nhỏ hơn, nhưng đang phát triển rất mạnh nhờ dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào chính sách ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc cho đầu tư vào AI.

Việc Mỹ cấm các công ty này mua công nghệ và sản phẩm của Mỹ có thể cản trở chiến lược phát triển AI của Trung Quốc, bởi các công ty AI Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào con chip và thiết bị xử lý đồ họa từ các nhà cung cấp Mỹ như Qualcomm và Nvidia.

Các công ty vừa bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" đều là những cái tên vào hàng nổi bật nhất trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt và AI của Trung Quốc. Với mức vốn hóa thị trường 42 tỷ USD, Hikvision là công ty sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới. SenseTime và iFlyTek đều có tên trong đội ngũ AI quốc gia mà Bắc Kinh công bố năm 2017.

Theo chuyên gia Paul Triolo thuộc công ty nghiên cứu Eurasia Group, "Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc đấu dài hơi nhằm giành thế thống trị về công nghệ trong tương lai". Ông Triolo cho rằng tất cả các công ty AI bị Mỹ áp hạn chế đều đã tích trữ con chip để chuẩn bị cho tình huống này và đang phát triển linh kiện thay thế.

"Cũng giống như Huawei, các công ty này vẫn có thể tiếp tục cung cấp cho khách hàng, nhưng động thái của Mỹ có thể đe dọa khả năng của các công ty trong việc thiết kế những hệ thống mới và tân tiến hơn nếu họ không tìm được linh kiện thay thế hàng Mỹ", vị chuyên gia nói.

Huawei, công ty đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc, bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" hồi tháng 5. Đến nay, Huawei cho biết đã tìm được nguồn cung thay thế cho nhiều linh kiện mà công ty vẫn mua từ Mỹ, nhưng chưa thể có sự thay thế cho các ứng dụng Google.

Mới đây, Huawei trình làng chiếc điện thoại thông minh (smartphone) cao cấp Mate 30 không có các ứng dụng quen thuộc như Google Maps và YouTube. Giới phân tích dự báo doanh số smartphone toàn cầu của Huawei sẽ giảm mạnh khi lệnh cấm của Mỹ được thực thi đầy đủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại