Mỹ giải quyết vụ không cho tướng Indonesia nhập cảnh thế nào?

Thiện Tâm |

Từ cuối tuần qua, dư luận Indonesia bất ngờ và tức giận trước thông tin người đứng đầu quân đội nước này bị từ chối visa vào Mỹ. Vậy thực hư câu chuyện ra sao?

Dư luận tức giận

Chuyện xảy ra hôm 21/10 khi Tướng Gatot Nurmantyo, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia cùng phu nhân chuẩn bị lên chuyến bay đi Mỹ thì phía hàng không thông báo rằng giới chức Hoa Kỳ từ chối cho ông nhập cảnh, theo truyền thông Indonesia.

Chuyến thăm Mỹ của ông Nurmantyo diễn ra theo lời mời của Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Trong chuyến thăm, ông Nurmantyo dự định sẽ tham gia một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tổ chức ở Thủ đô Washington vào ngày 23/10, theo Reuters.

Người phát ngôn quân đội khẳng định, Tướng Nurmantyo cùng phu nhân và đoàn đại biểu tháp tùng gồm 4 quan chức khác đã có thị thực Mỹ và lần mới nhất vị Tướng này tới thăm Hoa Kỳ là tháng 2/2016.

Ông Nurmantyo đã thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc bị từ chối nhập cảnh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir nói nhưng không cho biết rõ chi tiết. "Sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã yêu cầu đại sứ ở Washington DC gửi một công hàm tới Ngoại trưởng Mỹ để yêu cầu làm rõ", phát ngôn viên Nasir nói. Ngoài ra, Indonesia cũng triệu Phó Đại sứ Mỹ tại Jakarta vào ngày 23/10 để yêu cầu giải thích lý do người đứng đầu quân đội Indonesia bị từ chối visa.

Mặc dù ông Nurmantyo là người thường có những hành động và tham vọng chính trị gây tranh cãi ở Indonesia, đến mức tháng này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, các lực lượng vũ trang nên tránh xa chính trị, nhưng Indonesia, quốc gia với số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Trong quá khứ, mối bang giao giữa quân đội hai nước trở nên căng thẳng vì các cáo buộc về việc vi phạm nhân quyền liên quan tới quân đội Indonesia.

Không ít người Indonesia phản ứng phẫn nộ với sự việc này, kêu gọi trục xuất Đại sứ Mỹ và người Mỹ, giương biển "về nước đi" khắp Thủ đô để trả đũa Washington. Cựu đại sứ Indonesia tại Mỹ Dino Patti Djalal sau khi nhận được tin thậm chí còn muốn Chính phủ phải có phản ứng mạnh mẽ hơn. "Chính phủ không nên chỉ yêu cầu giải thích mà cần phải thể hiện sự phản đối với phía Mỹ", ông Dino Patti Djalal chia sẻ trên tài khoản Twitter chính thức, theo trang Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta lên tiếng

Đến ngày 23/10, theo AP, giới chức ngoại giao Mỹ xin lỗi Chính phủ Indonesia và xác nhận về khả năng nhập cảnh Mỹ của Tướng Indonesia sau vụ việc này. Phó Đại sứ Mỹ tại Indonesia, bà Erin McKee không giải thích tại sao Tướng Gatot Nurmantyo bị chặn lên máy bay tới Washington nhưng cho biết vấn đề này đã được giải quyết.

Bà McKee đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi trong sáng 23/10 và gửi lời xin lỗi: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự bất tiện mà sự việc trên gây ra và chúng tôi xin trân trọng gửi lời xin lỗi". "Chắc chắn không có vấn đề gì với khả năng đi lại của ông Nurmantyo tới Mỹ. Chúng tôi chào đón ông Gatot Nurmantyo. Đại sứ quán đang phối hợp rất sát sao để tìm hiểu chuyện gì xảy ra", bà nói.

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Jakarta Joseph Donovan cũng đưa ra lời xin lỗi trong một thông báo từ cơ quan đại diện ngoại giao ở Jakarta vào hôm 22/10 vì ông không có mặt tại trụ sở và đang đi thăm một khu vực vùng sâu vùng xa tại Indonesia.

Dù vậy, theo Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Indonesia muốn Mỹ đưa ra lời giải thích toàn diện. "Phản ứng trên là chưa đủ. Chúng tôi vẫn cần một lời giải thích rõ ràng tại sao sự việc này lại xảy ra", Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại