Mỹ giải mật chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Hoài Thanh |

Chính quyền Tổng thống Trump vừa cho giải mật báo cáo đề cập đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, với những điểm nhấn nổi bật về “thúc đẩy Ấn Độ trỗi dậy”, ngăn Trung Quốc thiết lập “vòng cung ảnh hưởng”...

Từ trái qua: Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc gặp “Nhóm bộ tứ” ở Tokyo hôm 6/10. Ảnh: Reuters.

Từ trái qua: Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc gặp “Nhóm bộ tứ” ở Tokyo hôm 6/10. Ảnh: Reuters.

Báo cáo có tiêu đề “Khung chiến lược của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (sau đây gọi tắt là Khung chiến lược) được đóng dấu mật, thuộc diện nhạy cảm cao về an ninh quốc gia Mỹ, không công bố cho người nước ngoài.

Báo cáo có độ dài 10 trang, được Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ (NSC) hoàn tất vào tháng 2/2018 và là định hướng nền tảng để triển khai “Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (2017)”, cũng như chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ba năm gần đây.

Việc công bố giải mật tài liệu lần này cho thấy những thách thức về an ninh và địa chính trị mà chính quyền Joe Biden sẽ phải đối diện trong thời gian tới.

Trong phần đầu, báo cáo chỉ ra những thách thức chiến lược đối với Mỹ, bao gồm: duy trì ưu thế chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy trật tự kinh tế tự do, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc thiết lập khu vực ảnh hưởng phi tự do, tạo dựng hợp tác trong những lĩnh vực để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng tại khu vực; không để Triều Tiên gây đe dọa đến Mỹ và đồng minh và cuối cùng là thúc đẩy vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ kết hợp với khuyến khích một nền thương mại công bằng, có đi có lại.

Kế đến, Khung chiến lược nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, khẳng định an ninh và thịnh vượng Mỹ phụ thuộc vào khu vực này - một động lực tăng trưởng đối với kinh tế Mỹ, khu vực và toàn cầu. Suy yếu vai trò lãnh đạo tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ bào mòn khả năng của Mỹ trong đạt mục tiêu lợi ích trên phạm vi toàn cầu.

Trung Quốc được xác định là nhân tố nhà nước đáng quan ngại nhất đối với Mỹ trong tài liệu chiến lược này, với các ý đồ, bước đi nhằm chia rẽ liên minh của Mỹ với các đối tác tại khu vực, tận dụng khoảng trống quyền lực để thách thức Mỹ.

Khung chiến lược đánh giá, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung luôn tiếp diễn, do hai bên có sự phân kỳ về mục tiêu và bản chất trong hệ thống kinh tế, chính trị, từ đó nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh thông qua thiết lập kết nối chiến lược với đồng minh và đối tác, đề cao “trật tự kinh tế tự do” tại khu vực...

Trên thực tế, chính quyền Trump trong ba năm qua đã theo đuổi nhiều mục tiêu chính sách mà báo cáo chiến lược đề xuất, nhất là những khuyến nghị giải pháp đối với vấn đề Trung Quốc.

Nổi bật là việc xây dựng “đồng thuận quốc tế” cho rằng chính sách công nghiệp và hoạt động thương mại bất bình đẳng quốc tế của Trung Quốc làm hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu.

Kế đến là việc tăng cường vai trò của cơ quan phản gián, thực thi pháp luật Mỹ trong ngăn chặn, phá vỡ hoạt động tình báo do thám của Bắc Kinh trên đất Mỹ, siết chặt rà soát an ninh quốc gia đối với đầu tư của Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhạy cảm, phối hợp với đối tác và đồng minh chặn Bắc Kinh mua sắm vũ khí, trang bị quân sự chiến lược.

Đề xuất tạo dựng liên minh "Nhóm bộ tứ" một điểm sáng khác. Khung chiến lược nêu bật yêu cầu tạo dựng liên minh nòng cốt giữa Mỹ với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, hướng đến khung an ninh bộ tứ với Mỹ làm trung tâm; thúc đẩy sự trỗi dậy của Ấn Độ, coi đây là một thành tố nền tảng để kiềm chế Trung Quốc.

Những đề xuất này về cơ bản đã được thể hiện rõ trong vận hành chính sách của Mỹ thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng có định hướng trong Khung chiến lược không được Nhà Trắng chấp nhận. Tài liệu nhiều lần khuyến nghị Mỹ cần mở rộng can dự tại châu Á-Thái Bình Dương, nhất là với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhưng trên thực tế, Mỹ lại thoái lui khỏi khu vực, thể hiện qua các bước đi như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay như quyết định không tham dự nhiều kỳ hội nghị thượng đỉnh của ASEAN của ông Trump.

Mục tiêu đề cao lợi ích của những giá trị dân chủ Mỹ ở trong và ngoài nước, coi đây là cách để tạo đối trọng với Trung Quốc được nêu trong Khung chiến lược cũng hứng chịu đòn tấn công mạnh, nổi bật là vụ biểu tình, bạo loạn mới đây ở tòa nhà Quốc hội Mỹ - một biến cố khiến Matt Pottinger - người chắp bút chính cho Khung chiến lược, đi đến quyết định từ chức Phó Cố vấn an ninh Quốc gia hôm 7/1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại