Được biết, các máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle này được triển khai tại căn cứ không quân Amari ở Estonia và đang thực hiện các hoạt động huấn luyện trong điều kiện dã chiến.
Căn cứ không quân Amari nằm ở phía Tây Nam của thủ đô Tallinn, nước cộng hòa vùng Baltic Estonia, cách đường biên giới Nga chỉ chưa đầy 230 km.
Căn cứ không quân này có một đường băng kiên cố với độ dài 2.750 m có thể đáp ứng yêu cầu cất cánh và hạ cánh máy bay quân sự lớn cũng như mọi loại chiến đấu cơ.
Sau khi Estonia gia nhập NATO năm 2004, máy bay quân sự của khối đã trở thành khách thường xuyên đến căn cứ không quân Amari, bao gồm cường kích A-10, tiêm kích F-16, F-22 và các chủng loại chiến đấu cơ khác.
Không quân Mỹ gần đây đã triển khai một hoạt động huấn luyện trong điều kiện dã chiến ở khu vực Baltic, triển khai đa dạng chủng loại máy bay chiến đấu từ các căn cứ quân sự khác ở Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia.
Sáng kiến huấn luyện dã chiến nhằm tăng cường khả năng triển khai nhanh chóng của quân đội Mỹ tại các nước NATO, mục đích nâng cao khả năng hợp tác giữa lực lượng quân sự các quốc gia.
Cách đây không lâu, không quân Mỹ còn triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II lần đầu tiên ở Latvia, điều này gây ra mối lo ngại rất lớn từ phía Nga.
Latvia, Estonia và Litva còn được gọi là "Ba nước cộng hòa vùng Baltic", đều giáp với Nga. Việc triển khai máy bay chiến đấu của không quân Mỹ tại những quốc gia này rõ ràng là mối đe dọa tiềm tàng đối với Moskva.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Viktor Esin cho rằng viễn cảnh tiêm kích F-35 mang bom B61 Mod 12 (B61-12) triển khai tại các căn cứ của NATO ở Litva hoặc Latvia sẽ "thực sự làm thay đổi trạng thái của những vũ khí hạt nhân này".
"Liên quan đến Nga, nó không còn là vũ khí chiến thuật nữa vì có khả năng tiếp cận đối tượng là các khu công nghiệp trung tâm của đất nước, các thành phố lớn bao gồm cả Moskva", ông Esin cho biết.
Cần lưu ý rằng không quân Mỹ đang tiến hành tích hợp bom hạt nhân B61-12 vào tiêm kích F-35 như kế hoạch dài hạn để triển khai một chiếc F-35 với khả năng cung cấp tùy chọn tấn công hạt nhân chính xác cho các cấp chỉ huy.
Trong một tuyên bố được không quân Mỹ đưa ra trước đó, mục đích khi cho tiêm kích F-35A Lightning II mang bom nguyên tử B61-12 là để phục vụ cho chiến thuật ngăn chặn.
Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, bộ đôi tiêm kích F-35A cùng bom B61-12 sẽ được triển khai phân tán trên diện rộng tại các sân bay nhỏ nhất.
Không giống như các phương tiện mang bom B61-12 khác, chiến đấu cơ tàng hình F-35 có thể kích hoạt các cuộc tấn công cũng như chống không kích với mức độ hủy diệt và khả năng sống sót cao trước vũ khí của các đối tượng thù địch.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-gay-ap-luc-cuc-lon-len-nga-khi-trien-khai-f15e-cach-bien-gioi-chi-230-km/820109.antd