Thực tế tình hình năm 2017 cho thấy, Washington đang có khoảng 1.400 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai. Trong khi đó, Nga có tới 1561 đầu đạn dự trữ. Ngoài ra, Mỹ là một trong 4 quốc gia trên thế giới sở hữu cái gọi là bộ ba hạt nhân. Hãng tin TASS công bố tài liệu cho thấy những thành tố cơ bản của chúng, cũng như cách mà Mỹ đang hiện đại hóa tiềm năng hạt nhân của nước này.
Kêu gọi hiện đại hóa
“Những tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo cần phải được hiện đại hóa. Tiềm năng hạt nhân của chúng ta trong giai đoạn 2020 - 2030 đang khiến tôi lo lắng”, Tướng John Hyten - Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) đã nói như vậy trong Diễn đàn Halifax về an ninh quốc tế diễn ra tại Canada.
Tướng John Hyten không phải là người đầu tiên cảnh báo Washington về vấn đề hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân mà Mỹ hiện có. Một tháng trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, tiềm năng hạt nhân của Mỹ phải được củng cố và phát triển mạnh mẽ”.
Còn một bộ phận cộng đồng chuyên gia của Mỹ (chẳng hạn Heritage Foundation) đang kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua việc tăng ngân sách cho việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Theo đánh giá của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, để hỗ trợ và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong giai đoạn từ 2017 – 2026, Washington phải tiêu tốn tới 400 tỷ USD.
Bộ ba hạt nhân
Khái niệm bộ ba hạt nhân xuất hiện từ cuối những năm 1950, khi mà hai siêu cường lúc đó là Liên Xô và Mỹ chỉ có trong trang bị 3 thành tố của bộ ba hạt nhân (trên mặt đất, trên không và dưới biển).
Thành tố đầu tiên – các hệ thống phóng cơ động hoặc cố định cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Thành tố thứ hai – các máy bay ném bom chiến lược có khả năng ném bom hạt nhân hoặc phóng tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân.
Thành tố thứ ba – các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tất cả chỉ có 4 quốc gia trên thế giới có được bộ ba hạt nhân, đó là Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - nước gia nhập “câu lạc bộ” bộ ba chiến lược vào năm 2016.
Các thành tố trong bộ ba hạt nhân của Mỹ
Thành tố trên mặt đất bao gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman-III, do Tập đoàn Boeing chế tạo và lần đầu tiên được biên chế vào năm 1970. Cự ly xa nhất của tên lửa này là khoảng 13.000 km, nó được trang bị 2 loại đầu đạn là W78 và W87.
Minuteman-III được cho là đã lỗi thời, nên hiện Mỹ đang tiến hành các công việc liên quan tới Chương trình Ground-Based Strategic Deterrent (các phương tiện kiềm chế chiến lược trên mặt đất, hay còn gọi là GBSD). Mục tiêu của chương trình này là tạo ra sản phẩm thay thế cho Minuteman-III.
Tháng 8/2017, có thông tin cho rằng trong khuôn khổ chương trình này, Lầu Năm góc đã ký các hợp đồng với hãng Boeing và Northrop Grumman với tổng giá trị lên tới 677 triệu USD. Theo số liệu quả Arms Control Association, toàn bộ chương trình GBSD có thể tiêu tốn tới 140 tỷ USD.
Thành tố trên không - các máy bay ném b om B-52H Stratofortress và B-2 Spirit, lần được được đưa vào trang bị năm 1955 và 1997.
Tầm xa tối đa bay của B-52H khi không được tiếp liệu là khoảng 16,2 nghìn km, còn B-2 dù hiện đại hơn nhưng con số này chỉ đạt 11,1 nghìn km.
Hiện nay hãng Northrop Grumman đang chế tạo máy bay ném bom B-21 trong khuôn khổ chương trình Long Range Strike Bomber program (LRS-B). Washington dự kiến sẽ dành hơn 100 tỷ USD cho hoạt động này, Arms Control Association cho biết.
Thành tố trên biển là các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo UGM-133 Trident II. Đây là sản phẩm của Tập đoàn Lockheed Martin và được biên chế vào năm 1990. Hiện các tàu ngầm của Mỹ được trang bị tên lửa Trident II là các tàu ngầm thuộc lớp Ohio. Mỗi tàu có tới 24 tên lửa loại này.
Để thay thế các tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo Ohio, Mỹ dự kiến sẽ hạ thủy các tàu ngầm mới thuộc lớp Columbia. Những tàu này phân biệt với các tiền nhiệm của chúng là ở số lược bệ phóng ít hơn (16 so với 24), nhưng bí mật hơn và có hệ thống tác chiến điện tử hiện đại hơn.
Việc thiết kế và chế tạo tàu ngầm loại Columbia sẽ tiêu tốn của Washington tới 128 tỷ USD.