Với cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo Oreshnik, Nga đã chính thức vượt qua các giới hạn của Hiệp ước cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), điều này dự báo sẽ dẫn tới phản ứng từ phía Mỹ.
Bên cạnh việc triển khai thêm các tổ hợp Typhon có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk, giới quan sát cho rằng một vũ khí cực kỳ lợi hại khác bị "lưu kho" từ thời Chiến tranh Lạnh sẽ sớm "tái sinh", đó là tên lửa đạn đạo tầm trung MGM-31 Pershing II.
MGM-31 Pershing II là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung di động sử dụng nhiên liệu rắn hai giai đoạn, có cấu tạo tương tự Pershing I nhưng được tích hợp động cơ mới mạnh mẽ hơn.
Động cơ của Pershing II áp dụng công nghệ kiểm soát vector lực đẩy, cho khả năng thao diễn cực kỳ linh hoạt. Tên lửa có chiều dài 10,6 m; đường kính thân 1,02 m; trọng lượng phóng 7.400 kg; tầm bắn khoảng 1.770 km; mang theo đầu đạn hạt nhân loại W85.
Sau khi khởi động, hệ thống quán tính sẽ dẫn hướng tên lửa. Khi đạt độ cao khoảng 300 km, tên lửa sẽ quay trở lại bầu khí quyển trái đất, lúc này nó vẫn được dẫn thông qua quán tính.
Khi ở độ cao 15 km, tên lửa sẽ kích hoạt radar chủ động công nghệ số để rà soát khu vực. Pershing II chính là tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới sở hữu radar kỹ thuật số tối tân.
Radar của Pershing II thuộc dạng tương quan khu vực hay “radar video”, nó truyền sóng vô tuyến vào khu vực mục tiêu rồi mã hóa dữ liệu thành 2 bit điểm ảnh. Bộ vi xử lý so sánh hình ảnh do radar nhận với dữ liệu mà máy tính nạp vào tên lửa trước khi phóng để dẫn đường.
Quá trình so sánh diễn ra liên tục đến khi tên lửa lao trúng đích, công nghệ dẫn hướng tinh vi cho phép Pershing II đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ khoảng 30 m.
Trong trường hợp hệ thống dẫn hướng radar không hoạt động, tên lửa vẫn có thể đến đích nhờ thiết bị dẫn hướng quán tính, tuy nhiên lúc này độ chính xác còn không cao.
Khi được triển khai tại Tây Đức vào năm 1983, tên lửa Pershing II chỉ cần 10 phút để bay tới Moskva. Do sở hữu độ chính xác cao và khả năng linh hoạt lớn, nó có thể vô hiệu hóa lực lượng răn đe hạt nhân của Liên Xô.
Việc Mỹ bố trí tên lửa Pershing II tại Tây Đức khiến Liên Xô mất lợi thế về năng lực răn đe hạt nhân, do vậy không phải ngẫu nhiên mà vũ khí này được gọi là "Cơn ác mộng của Liên Xô".
Tuy nhiên theo Hiệp ước cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung INF được ký vào năm 1988, Mỹ đã rút tên lửa Pershing II cùng với BGM-109G Gryphon khỏi lực lượng tác chiến.
Nhưng nay với diễn biến nóng bỏng tại châu Âu, viễn cảnh Mỹ tái biên chế phiên bản nâng cấp của tên lửa Pershing II là điều đang được các chuyên gia quân sự nhắc tới.
Nếu được áp dụng các công nghệ hiện đại, chắc chắn mức độ nguy hiểm của tên lửa Pershing II còn lớn hơn nhiều, đủ tạo thành phương tiện răn đe tương xứng với loại Oreshnik.
Tên lửa đạn đạo Oreshnik tấn công mục tiêu tại Ukraine.