Mỹ: FDA cho phép sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19

H.Bình |

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép công ty Gilead Sciences sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Thông tin này được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 1-5. Trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Trump, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học Mỹ Gilead Sciences, ông Daniel O’Day, gọi quyết định này là một bước đi đầu tiên quan trọng.

Ông Daniel O’Day cũng cho biết công ty sẽ tặng 1 triệu lọ thuốc để trợ giúp các bệnh nhân. Phó Tổng thống Mike Pence cho hay 1 triệu lọ thuốc sẽ bắt đầu được phân phối cho các bệnh viện vào ngày 4-5.

Theo công ty Gilead Sciences, thuốc kháng virus Remdesivir giúp cải thiện kết quả bình phục cho bệnh nhân Covid-19 và cung cấp dữ liệu cho thấy thuốc có tác dụng tốt hơn khi được dùng trong giai đoạn sớm, khi mới nhiễm bệnh.

Trong các nghiên cứu, thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển virus corona gây bệnh tương tự như Covid-19, bao gồm Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Thuốc này được điều chế với mục đích ban đầu để điều trị virus Ebola nhưng không thành công.

Mỹ: FDA cho phép sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19 - Ảnh 1.

Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại một cơ sở khoa học của Gilead. Ảnh: Reuters

Sự quan tâm đến thuốc kháng virus của Gilead Sciences rất cao vì hiện tại chưa có phương pháp điều trị chính thống đối với Covid-19 hoặc vắc-xin phòng ngừa nào được phê duyệt. Thuốc kháng virus Remdesivir được theo dõi chặt chẽ và từng khiến giới đầu tư bị hụt hẫng với thông tin về thử nghiệm thất bại.

Một bản tóm tắt nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tuần trước cho thấy Remdesivir của Gilead Science không cải thiện tình trạng của bệnh nhân hoặc làm giảm sự hiện diện của mầm bệnh trong máu. Tuy nhiên nhà sản xuất thuốc cho biết những phát hiện này là không thuyết phục vì nghiên cứu đã bị kết thúc sớm.

Chính phủ Mỹ cũng lên kế hoạch đẩy nhanh việc bào chế vắc-xin với mục tiêu có 100 triệu liều vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết các thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo một vắc-xin thực sự an toàn và hiệu quả có thể mất tối thiểu 12-18 tháng.

Từ đầu tháng 4, một số cơ quan thuộc Bộ Y tế và dịch vụ con người của Mỹ (HHS) đã thông báo nhiều kế hoạch hợp tác với hơn 15 công ty dược phẩm cũng như với các cơ quan quản lý thuốc châu Âu, trong một nỗ lực nhằm tìm vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19.

Theo trang worldometers, tính đến sáng 2-5, tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu là gần 3.398.500, số người tử vong là 239.443, số ca phục hồi là 1.080.101. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với số ca nhiễm hơn 1.131.000, và có hơn 65.700 người tử vong. Tiếp sau đó là Tây Ban Nha, Ý, Anh và Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại