Mỹ, Đức “chần chừ” rút quân – Bài toán Afghanistan vẫn khó

Đình Nam |

Quốc hội Đức đã chấp thuận việc gia hạn sứ mệnh quân đội nước này tại Afghanistan tới tận năm sau, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa chắc chắn về khả năng rút quân đúng thời hạn.

Binh sỹ nước ngoài tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Binh sỹ nước ngoài tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải đối mặt với khá nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc rút quân khỏi Afghanistan.

Tổng thống Mỹ thừa nhận, nước này sẽ khó có thể rút hết binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào trước ngày 1/5 như thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm đã ký với Taliban, nhưng các binh sĩ Mỹ sẽ không ở lại vô thời hạn.

"Sẽ rất khó để đáp ứng hạn chót vào ngày 1/5 tới. Những gì chúng tôi đã làm là gặp gỡ với các đồng minh của chúng tôi, những quốc gia có quân Afghanistan. Nếu chúng tôi rời đi, chúng ta sẽ thực hiện một cách an toàn và có trật tự.

Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh và đối tác về cách thức tiến hành. Thực tế, chúng tôi không muốn ở lại đó lâu", Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo ngày 25/3.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết, ông chưa nghĩ tới viễn cảnh quân đội Mỹ sẽ phải ở Afghanistan tới tận năm sau – giống như Đức.

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Đức đã thông qua một lệnh ủy quyền mới, cho phép quân đội nước này duy trì tới 1.300 binh sĩ ở Afghanistan trong thành phần phái bộ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới ngày 31/1/2022, thay vì đến cuối tháng 3 theo lệnh ủy quyền hiện nay.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo, bất kỳ việc rút quân vội vã nào đều sẽ khiến các lợi ích về an ninh, giáo dục và nhân quyền từng đạt được tại Afghanistan sẽ nhanh chóng bị mất đi. Đức muốn rút tất cả các lực lượng rút khỏi Afghanistan dựa trên các điều kiện.

Mỹ, Đức “chần chừ” rút quân – Bài toán Afghanistan vẫn khó - Ảnh 2.

Binh sỹ nước ngoài tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi muốn rút tất cả các lực lượng quân sự khỏi Afghanistan dựa trên điều kiện. Nó nên gắn với các cuộc đàm phán hòa bình và trên hết là sự thành công của các cuộc đàm phán đó.

Chúng tôi không muốn việc rút quân sớm khỏi Afghanistan, bởi Taliban có nguy cơ quay trở lại bạo lực, giàn được quyền lực bằng các biện pháp quân sự. Chúng tôi có trách nhiệm lớn về điều này", ông Heiko Maas nói.

Thực tế, bạo lực vẫn gia tăng ở Afghanistan thời gian qua, trong khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban cũng chưa đạt được nhiều tiến bộ.

Sau các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên tại Doha, Qatar và một cuộc gặp tại Moscow, Nga diễn ra vào tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib vẫn cho rằng, các bên vẫn còn quá nhiều khác biệt trong một loạt các vấn đề lớn.

Dự kiến vào tháng tới, các bên liên quan Afghanistan sẽ tham dự hội nghị hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ, do Mỹ hậu thuẫn.

Tại đó, chính phủ Afghanistan sẽ công bố chi tiết bản kế hoạch bầu cử sớm và họ kỳ vọng rằng đây là một đề xuất công bằng cho tương lai quốc gia.

Dẫu vậy, ngay cả khi việc công bố chưa diễn ra, Taliban đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng này, khi cho rằng việc bầu cử vội vàng trong quá khứ từng đẩy Afghanistan đến bờ vực của khủng hoảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại