Mỹ đưa tên lửa mới đến Thái Bình Dương để “nắn gân” Trung Quốc?

Kiều Anh |

Việc tàu chiến của Hải quân Mỹ triển khai các tên lửa mới đầy uy lực ở Thái Bình Dương được cho là nhằm cân bằng quyền lực với Trung Quốc.

Mỹ đưa vũ khí mới đến Thái Bình Dương

Các nhà quan sát nhận định rằng việc tàu chiến của Hải quân Mỹ triển khai các loại vũ khí mới ở Thái Bình Dương có thể giúp thay đổi cán cân quyền lực ở những khu vực gây tranh cãi, chẳng hạn như Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords đã rời San Diego đầu tháng này đem theo tên lửa tấn công trên biển mới (Naval Strike Missile) của Hải quân Mỹ và 1 máy bay trực thăng không người lái nhằm hỗ trợ nó.

Theo Raytheon – một nhà thầu vũ khí lớn của Mỹ, tên lửa tấn công trên biển (NSM) là một tên lửa hành trình khó có thể phát hiện trên radar và có khả năng tránh được lưới phòng thủ của kẻ thù. Tên lửa này được triển khai trên tàu Gabrielle Giffords cùng với 1 máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout được sử dụng để trinh sát các mục tiêu.

Người phát ngôn Hạm đội số 3 của Hải quân Mỹ John Fage cho biết các loại vũ khí trên sẽ tăng khả năng chiến đấu của lực lượng này.

Lầu Năm Góc đang xây dựng lực lượng quân sự có thể hoạt động dựa trên một nền tảng bền vững hơn và có khả năng chiến đấu hiệu quả hơn trước hệ thống tàu thuyền, chiến đấu cơ và tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Tập đoàn Rand là Timothy Heath nhận định.

Từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quân sự hóa tại các đảo nhân tạo mà họ bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp trên Biển Đông đồng thời nhiều lần cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ trong khu vực càng cho thấy Trung Quốc cần phải tiến hành các hoạt động này để bảo vệ lợi ích của mình.

Vũ khí mới của Mỹ có khả năng gì?

Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết đầu năm nay rằng mặc dù Gabrielle Giffords là tàu chiến ven bờ LCS đầu tiên của Mỹ triển khai cùng với các tên lửa tấn công trên biển song hầu hết các tàu thuyền trong hạm đội LCS đều có kế hoạch sẽ được trang bị loại vũ khí này.

Tên lửa tấn công trên biển của Mỹ có thời gian thử nghiệm tương đối ngắn cho tới khi được quân đội nước này triển khai. Được phát triển bởi hãng Kongsberg của Na Uy dành cho quân đội nước này, các tên lửa trên đã được thử nghiệm thành công khi triển khai từ tàu tác chiến ven bờ USS Coronado năm 2014. Tập đoàn Quốc phòng Raytheon đã trở thành nhà thầu Mỹ sản xuất loại tên lửa này năm 2018.

Điểm nổi bật của tên lửa tấn công trên biển là tầm bắn của nó có thể đạt hơn 160 km và có tốc độ nhanh hơn 30% so với các tên lửa Harpoon mà Hải quân Mỹ đang sử dụng.

Ngoài ra, máy bay không người lái Fire Scout sẽ giúp tàu chiến Gabrielle Giffords của Mỹ có "đôi mắt do thám mục tiêu ngoài đường chân trời", nhà phân tích Carl Schuster, người từng đứng đầu Hải quân Mỹ nhận định.

"Khả năng nhắm bắn này cũng quan trọng như hệ thống tên lửa vậy. Bạn chỉ cần tấn công bất kỳ mục tiêu nào bạn phát hiện ra".

Việc sở hữu những tàu tác chiến ven bờ (LCS) nhỏ hơn cũng sẽ giảm gánh nặng cho những tàu khu trục và tàu tuần dương lớn - những con tàu được thiết kể để triển khai tác chiến ở vùng biển rộng và hiện nay chúng cũng đang được thu bé lại để đáp ứng các yêu cầu thực tế, nhà phân tích Heath cho biết.

"Tôi mong rằng nhiều tàu kiểu LCS hơn sẽ được triển khai ở Biển Đông nhằm chia sẻ với các tàu chiến lớn hiện đang đảm trách phần lớn nhiệm vụ tuần tra trong khu vực này", ông Heath nhận định thêm.

Trong khi Hải quân Mỹ vẫn chưa chính thức thông báo về nơi Gabrielle Giffords đang hướng tới thì các nhà quan sát nhận định rằng tàu chiến này sẽ đến Singapore, nơi con tàu "chị em" của nó USS Montgomery đã được triển khai vào mùa hè này dù không trang bị các tên lửa tấn công trên biển.

"Nhiệm vụ của USS Gabrielle Giffords là tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, hợp tác an ninh, thực hiện khả năng phản ứng trước khủng hoảng và duy trì sự hiện diện trên biển ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào nó được yêu cầu", ông Fage nhận định.

Thông điệp của Mỹ

Việc Mỹ triển khai các loại vũ khí này đã gửi đi một thông điệp quan trọng và thậm chí có thể "thay đổi cuộc chơi" ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc hiện có lợi thế 3-1 trong các tên lửa hành trình so với Mỹ, ông Schuster cho biết, đồng thời nhận định động thái này sẽ khôi phục lại sự cân bằng ở đây.

Các loại vũ khí này không chỉ gửi thông điệp tới Trung Quốc mà còn với các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định các cam kết của Washington trong khu vực.

Mỹ đang nỗ lực xây dựng hình ảnh của một đối tác đáng tin trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông khi nước này thường xuyên có các hoạt động nhằm khẳng định cam kết về một Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại