Thời gian vừa qua, song song với việc triển khai các máy bay ném bom hạng nặng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Không quân Mỹ cũng không ngừng đẩy mạnh các hoạt động ở châu Âu.
Theo trang mạng The Drive, Không quân Mỹ cùng lúc đã điều động 6 “pháo đài bay” B-52H, tất cả đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân và hiện đang triển khai ngắn hạn ở Anh, xuất kích cùng với các máy bay F-35A và F-16AM của Na Uy là để gửi thông điệp cứng rắn tới Nga.
Hoạt động bay hiệp đồng này được Không quân Hoàng gia Na Uy công bố ngày 24/8/2020 nhưng không cho biết cụ thể đã diễn ra ở đâu và vào lúc nào. Năm ngoái, một cuộc tập trận tương tự với sự tham gia của 5 máy bay B-52H và các chiến đấu cơ F-16AM đã diễn ra trên vùng biển Na Uy.
The Drive cho rằng các máy bay chiến đấu của Không quân Na Uy có thể đã tháp tùng số máy bay B-52 kể trên quay trở lại Căn cứ Không quân Fairford ở Anh vào ngày 22/8.
Phi đội B-52 Mỹ nhiều khả năng đã bay qua Bắc Cực, di chuyển qua không phận Canada, Greenland, trước khi đổi hướng xuống phía Nam và bay ngang qua biển Na Uy và Biển Bắc.
Fairford là căn cứ mà Không quân Mỹ thường sử dụng để triển khai các máy bay ném bom tham gia hoạt động ngắn ngày ở châu Âu. Căn cứ này có các sân bay dã chiến và cơ sở hạ tầng có khả năng tiếp nhận các máy bay cỡ lớn.
Sáu máy bay B-52H bay cùng bộ đôi tiêm kích F-16 Không quân Na Uy. Ảnh: The Drive
Việc Không quân Mỹ triển khai các máy bay ném bom chiến lược và thực hiện các chuyến xuất kích tầm xa tới châu Âu không còn là điều hiếm gặp trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, hoạt động mới nhất của phi đội B-52H cho thấy đây rõ ràng là một thông điệp chủ yếu nhằm vào Nga. Giới quan sát và các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng tất cả 6 máy bay ném bom B-52 lần này đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân (một số B-52H không có khả năng này). Đây chính là một dấu hiệu khá bất thường.
Hành trình bay qua địa cực cũng có thể chứng tỏ chúng đang thực hành huấn luyện sứ mệnh tấn công các mục tiêu ở Nga bằng tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) AGM-86B.
Theo chuyên gia Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ (FAS) thì tất cả 6 máy bay B-52 nói trên đều có thể mang theo 120 tên lửa AGM-86B.
Đây cũng không phải lần đầu tiên trong vài tháng trở lại đây Không quân Mỹ sử dụng B-52 cũng như các loại máy bay ném bom chiến lược khác để chuyển tải thông điệp tới Kremlin.
Tháng 6/2020, hai pháo đài bay B-52 đã bay tới Okhotsk, vùng biển tiếp giáp 3 mặt lãnh thổ Nga hướng ra Thái Bình Dương. Cũng trong tháng này, các máy bay ném bom B-1, loại chỉ có khả năng mang theo vũ khí thông thường, đã thực hành các chiến dịch chống hạm ở Biển Đen, nơi đối thủ thực tế duy nhất chỉ có thể là Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga.
Động thái triển khai B-52 mới nhất của Mỹ tới Căn cứ Không quân Fairford diễn ra vào thời điểm Moscow và Washington đang trong tiến trình đàm phán căng thẳng về Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào năm sau nếu như hai nước không nhất trí được các điều khoản kéo dài tới năm 2026.
Nếu START Mới không được gia hạn, Không quân Mỹ có thể đẩy mạnh kế hoạch phát triển một phi đội máy bay ném bom chiến lược ở quy mô lớn hơn. Đây là điều mà lực lượng này đang ấp ủ khi ngày càng tiến gần tới việc đưa vào trang bị dòng máy bay ném bom tàng hình mới B-21 Raider.
6 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đều có thể mang theo 120 tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) AGM-86B