Quốc gia giấu mặt cho Israel "mượn" tiêm kích MiG-29: Bí mật chưa được tiết lộ

Trung Phạm |

Một trong những phi công thử nghiệm Israel từng đưa ra kết luận, các khả năng của MiG-29 tương đương, và trong một số trường hợp, còn vượt trội hơn cả F-15 và F-16 do Mỹ chế tạo.

Mỹ dốc tiền mua bằng được 21 tiêm kích MiG-29

Khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, các quốc gia độc lập mới tách ra từ liên bang Xô viết cũ nghiễm nhiên được thừa hưởng các kho vũ khí khổng lồ mà Hồng quân để lại.

Trong bối cảnh này, có một câu chuyện khá thú vụ xảy ra liên quan tới lực lượng không quân của một nước cộng hòa nhỏ bé thuộc khối Liên Xô cũ mang tên Moldova.

Kho vũ trang mà Moldova thừa kế khi đó gồm có 34 MiG-29 Fulcrum, 8 chiếc trực thăng Mi-8 Hip và một số dòng máy bay vận tải. Là quốc gia nhỏ bé với dân số chưa bằng vùng Portland, Oregon (Mỹ) nên lực lượng không quân này vẫn được xem là khá quy mô với Moldova.

Cộng hòa Moldova không đủ tiềm lực tài chính để duy trì một phi đội "hùng hậu" như vậy, nhất là kinh tế suy thoái lại càng làm cho mọi việc trở lên tồi tệ hơn. Trong khi đó, Mỹ lại rất lo sợ Moldova có thể sẽ bán số máy bay MiG-29 trên cho Iran để nước này tăng cường thêm sức mạnh cho phi đội Fulcrum của mình.

Washington còn lo ngại Moldova thậm chí sẽ chuyển giao cả công nghệ cho các đối thủ của Iran bởi 14 biến thể MiG-29C được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân.

Quốc gia giấu mặt cho Israel mượn tiêm kích MiG-29: Bí mật chưa được tiết lộ - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan

Vì vậy, năm 1997, Mỹ đã quyết định triển khai một trong những công cụ hùng mạnh nhất của nước này để sở hữu bằng được số MiG-29 trên. Công cụ đó chính là tiền!

Washington đã mua 21 máy bay MiG-29, gồm 14 biến thể C, một biến thể B và 6 biến thể A, sau đó dùng các phi cơ vận tải C-17 chở chúng về Dayton, Ohio.

Việc mua lại các tiêm kích phản lực này không chỉ là cách thức tốt ngăn chặn chúng rơi vào tay Tehran mà còn giúp Washington có cơ hội nghiên cứu một trong những dòng máy bay tinh vi nhất mà Liên Xô từng chế tạo. Đổi lại, Moldova đã nhận được khoản trợ giúp nhân đạo trị giá 40 triệu USD cùng một số xe tải quân sự và các phương tiện phi sát thương khác.

Moldova bán số máy bay còn lại cho Eritrea và Yemen. Theo Tạp chí Air & Space Magazine, các máy bay MiG-29 mà Mỹ mua được sau đó được phân bổ cho các phi đội kiểm định, các trung tâm tình báo và những cơ sở khai thác khác của Không quân Mỹ.

Ở thời đại của mình, MiG-29 là dòng máy bay nổi tiếng với khả năng siêu cơ động và sát thương của nó. Các tên lửa Archer AA-11 mà MiG-29 mang theo thuộc dạng tiên tiến nhất những năm 1990 bởi chúng có thể khóa mục tiêu bằng hệ thống điều khiển gắn trên mũ phi công, giúp đạt được góc ngắm bắn lớn hơn so với các máy bay chiến đấu tương đương của Mỹ.

Tuy nhiên, lợi thế này không còn khi Lầu Năm Góc đưa vào trang bị tên lửa AIM-9X năm 2003 cùng các màn hình gắn trên mũ phi công đi kèm.

Quốc gia giấu mặt cho Israel mượn tiêm kích MiG-29: Bí mật chưa được tiết lộ - Ảnh 2.

Một chiếc tiêm kích phản lực MiG-29 của Moldova

Quốc gia giấu mặt nào đã cho Israel thuê MiG-29?

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong năm 1997, một quốc gia khác ngoài khối Liên Xô cũ cũng sở hữu được các máy bay MiG-29. Đó chính là Israel, nước đã 'mượn" được 3 chiếc Fulcrum một ghế ngồi để sử dụng trong vài tuần từ một quốc gia Đông Âu không tiết lộ danh tính.

Xét tới thực tế MiG-29 là dòng tiêm kích phản lực tiên tiến nhất mà Nga từng cung cấp cho các nước Ả Rập như Iraq và sau này là Syria, Israel đương nhiên rất hồ hởi đón nhận cơ hội để tự mình kiểm tra, đánh giá các tính năng hoạt động của chúng.

Các phi công Israel từng lái thử MiG-29 đều tỏ ra khá ấn tượng với loại máy bay này. Mặc dù chúng có những khác biệt so với các máy bay tiêu chuẩn do Mỹ chế tạo mà họ vốn dĩ đã quen thuộc nhưng các phi công Israel đều nhận xét việc điều khiển MiG-29 khá thuận tiện.

Một trong những phi công thử nghiệm Israel từng đưa ra kết luận, các khả năng của Fulcrum tương đương, và trong một số trường hợp, còn vượt trội hơn cả F-15 và F-16:

"MiG-29 đặc biệt cơ động. Động cơ của nó tạo ra lực đẩy lớn hơn và các phi công của chúng tôi phải rất cẩn trọng với loại máy bay này lúc giao chiến trên không, nhất là khi nó lại được lái bởi một phi công chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản".

Ngày nay, trên thế giới vẫn còn rất nhiều nước đang vận hành các máy bay tiêm kích MiG-29 nhưng tập trung chủ yếu ở Đông Âu, Trung Đông và Nam Á. Ba Lan cũng có một số Fulcrum hoạt động bên cạnh các máy bay F-16 do Mỹ chế tạo.

Điều kỳ lạ là tháng 8/2011, Israel đã ký một hợp đồng nâng cấp và hiện đại hóa toàn bộ số MiG-29 của Ba Lan. Tuy nhiên cho tới nay, nước nào đã cho Israel thuê các máy bay Fulcrum vẫn là thông tin chưa được công khai.

Màn trình diễn MiG-29 ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại