Ông Harris được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm và có thể kết thúc nhiệm kỳ làm tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) vào tháng 5-2018, sau đúng 3 năm đảm nhận vị trí này. Theo 2 nguồn tin của Reuters, hầu hết chỉ huy Pacom phục vụ trong 3 năm song thực ra cũng không có thời hạn chính thức.
Tiến trình thay thế ông Harris, nếu có, sẽ bắt đầu bằng sự đề cử nhân sự mới cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện xem xét. Theo một quan chức Mỹ, tiến trình này vẫn chưa bắt đầu và nhiều khả năng diễn ra vào mùa đông tới.
Người phát ngôn của Pacom, Đại úy Darryn James, khẳng định tới giờ vẫn chưa có quyết định chính thức nào. Nếu theo đúng thông lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần đề cử người kế nhiệm ông Harris vào khoảng tháng 9 để Thượng viện Mỹ có thể thông qua vào cuối năm nay.
Nhiều nguồn tin Mỹ nói chuyện ông Harris mãn nhiệm chỉ là chuyện luân chuyển bình thường. Tuy nhiên, vì ông Harris nhiều lần "chọc giận" Trung Quốc khi mô tả các đảo nhân tạo phi pháp mà nước này xây dựng ở biển Đông là "Vạn lý trường thành trên cát" nên việc ai sẽ kế nhiệm ông được cả Bắc Kinh lẫn các đồng minh của Washington ở châu Á theo dõi sát sao.
Theo các nguồn tin Mỹ, trong số các ứng viên thay chỗ ông Harris có cả Đô đốc Scott Swift - chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, vốn cũng ủng hộ mạnh mẽ các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Ông Swift đang đẩy mạnh vai trò của Hạm đội 3 của Mỹ tại châu Á.
Một số nhân vật khác được nêu tên là Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh của Bộ chỉ huy Các hạm đội Mỹ; Đô đốc Bill Moran, phó tư lệnh các hoạt động hải quân; tướng Terrence O'Shaughnessy, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương...
Báo cáo với Tổng thống Donald Trump thông qua Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Đô đốc Harris là người luôn thúc đẩy các quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á.