Mỹ điều 60 máy bay do thám tới gần Trung Quốc

Phạm Nghĩa |

Trong tháng 9-2020, ít nhất 60 máy bay do thám của Mỹ đã tiến hành các nhiệm vụ gần Trung Quốc.

Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết trên đây là báo cáo của Sáng kiến ​​Kiểm tra tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI, do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn) công bố hôm 12-10.

Trong số 60 máy bay có 41 chiếc bay qua biển Đông, 6 chiếc bay qua biển Hoa Đông và xa hơn về phía Bắc cùng với 13 chiếc trên biển Hoàng Hải.

Ngoài ra, 13 máy bay đã tới biển Hoàng Hải và 3 máy bay tới biển Hoa Đông trong khi quân đội Trung Quốc đang tập trận. Con số thực tế có thể cao hơn do một số máy bay Mỹ được cho là cải trang thành máy bay dân dụng hoặc không bật bộ thu phát sóng.

Báo cáo của SCSPI chỉ ra rằng hoạt động tiếp liệu trên không của quân đội Mỹ đã tăng lên vào tháng trước. Điều này cho thấy Washington có thể "đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công đường dài nhằm vào các mục tiêu ở biển Đông".

Một số máy bay tiếp liệu khởi hành từ căn cứ quân sự đảo Guam của Mỹ, Tây Thái Bình Dương. Theo SCSPI, việc Mỹ điều động máy bay tiếp liệu từ Guam thay vì từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản là điều bất thường vì những hoạt động như vậy không kinh tế và không hiệu quả.

Mục đích của nó dường như là để chuẩn bị cho hoạt động tiếp liệu đường dài trong điều kiện khắc nghiệt trong tương lai nên đáng được quan tâm.

"Khu vực biển Đông vẫn là trọng tâm chính của Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý không kém là các hoạt động ở khu vực Hoàng Hải của họ đã tăng lên rõ rệt so với các hoạt động lẻ tẻ cách đây 2 tháng" – báo cáo viết.

SCSPI cũng tiết lộ vào cuối tháng 9, một máy bay của không quân Mỹ đã "thay đổi mã nhận dạng khi bay qua biển Hoàng Hải khiến nó trông giống máy bay của Philippines" trước khi trở lại số hiệu ban đầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng trong tháng đó, một chiếc RC-135S của Mỹ bị tố "ngụy trang điện tử thành máy bay dân dụng của Malaysia" khi bay gần không phận Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Ben Ho, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), bình luận: "Việc sử dụng căn cứ ở Guam mang lại cho quân đội Mỹ các phương án dự phòng, gợi ý về khả năng được nhắc đến nhiều: các căn cứ trên đảo Okinawa - Nhật Bản bị tên lửa Trung Quốc đánh sập trong giai đoạn mở đầu cuộc xung đột Trung - Mỹ.

Nó cũng cho thấy Washington đang phòng ngừa khả năng Nhật Bản từ chối lực lượng Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ mình để triển khai chống lại Trung Quốc. Trong 2 hoàn cảnh này, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng căn cứ ở Guam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại