Mỹ “điếng người” trước đòn phản công táo bạo của đồng minh về vụ S-400

Kiệt Linh |

Sau khi liên tiếp bị Mỹ đe dọa sẽ tung đòn trừng phạt vì hợp đồng S-400, Thổ Nhĩ Kỳ vừa có “đòn phản công” cực gắt khi tuyên bố sẽ buộc Mỹ phải rời khỏi căn cứ không quân Incirlik.

Thông tin này chắc chắn sẽ khiến Washington choáng váng và tức giận bởi Ankara cho thấy sự cứng rắn và đầy thách thức trước Mỹ trong cuộc đối đầu liên quan đến S-400.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết trong một tuyên bố vừa được phát đi rằng, Ankara có thể sẽ kiên quyết bắt Mỹ phải rời khỏi căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Washington thực sự tung đòn trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả việc nước này mua các tên lửa S-400 của Nga.

"Chúng tôi sẽ xem xét đến kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất và sẽ đưa ra quyết định. Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ thì vấn đề căn cứ Incirlik và Kurecik có thể nằm trong chương trình nghị sự”, Ngoại trưởng Cavusoglu ngầm cảnh cáo.

Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa sớm - một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu, đang được triển khai ở khu vực Kurecik thuộc tỉnh Malatya, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này đã được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2012 và nó do quân đội Mỹ cung cấp. Ông Mevlut Cavusoglu cũng tuyên bố thêm rằng, Ankara sẽ không ủng hộ kế hoạch của NATO trong việc bảo vệ các nước Baltic cho đến khi liên minh này thông qua kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước mối đe dọa “khủng bố”, ám chỉ đến lực lượng người Kurd.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng vừa cứng rắn tuyên bố, Ankara sẽ không từ bỏ các hệ thống phòng không S-400 của Nga để mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra phát biểu thể hiện sự kiên quyết của Ankara trong việc theo đuổi kế hoạch mua các tên lửa S-400 của Nga. Trước đó, hồi tháng 11, ông Erdogan đã nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua các tên lửa phòng không Patriot của Mỹ nhưng sẽ không đồng ý từ bỏ các hệ thống S-400 mà họ vừa mua được từ Nga.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm năng lực của hệ thống radar của tên lửa S-400 trước các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Tên lửa S-400 đã được Nga bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ từ hồi giữa tháng Bảy và chúng dự kiến được đưa vào hoạt động toàn diện vào tháng Tư năm sau. Bất chấp thực tế trên, Mỹ vẫn nỗ lực tìm cách thuyết phục, gây sức ép đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ tên lửa S-400.

Với tuyên bố của Tổng thống Erdogan và Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu, có vẻ như đã đến lúc Washington nên từ bỏ ý định phá hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và hơn nữa Mỹ cũng phải cân nhắc rất kỹ trước khi tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào đồng minh bởi họ có thể phải trả giá cho hành động này.

Ankara và Washington đang đối đầu nhau gay gắt về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga. Washington giải thích rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và gây ra mối đe dọa với các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ.

Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ và các đồng minh phương Tây không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này. Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, nếu hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công thì đây sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị chiến tranh của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35. Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Giới chức Mỹ liên tục đe dọa và cảnh cáo Ankara về hậu quả nếu cứ nhất quyết mua S-400 của Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. 

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại