Việc gia hạn New START sẽ giúp duy trì mức độ minh bạch và khả năng dự đoán về vũ khí tấn công chiến lược. (Ảnh minh họa: AP)
Đây là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân còn lại duy nhất giữa Washington và Moscow, dự kiến hết hạn vào ngày 5/2 tới.
Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, việc gia hạn hiệp ước rất có ý nghĩa tại thời điểm quan hệ Mỹ và Nga đang tồn tại nhiều bất đồng.
Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden nêu rõ, việc gia hạn hiệp ước này nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân , nhưng ông Biden sẽ không tìm cách "cài đặt lại" quan hệ với Nga dưới mọi hình thức.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. (Ảnh: AP)
Cách tiếp cận của ông Biden gần như đối lập với cách tiếp cận của người tiền nhiệm Donald Trump, người luôn bày tỏ sự yêu mến đối với Tổng thống Vladimir Putin ngay cả khi chính quyền của ông tìm cách gạt bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí còn lại với Nga.
Trước đó, vào ngày 20/1, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo cho biết, Nga ủng hộ việc gia hạn Hiệp ước New START thêm 5 năm.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, việc gia hạn tối đa 5 năm sẽ cho phép Nga và Mỹ cùng đi tìm câu trả lời cho những vấn đề đang phát sinh trong lĩnh vực ổn định chiến lược và an ninh quốc tế.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc gia hạn New START sẽ giúp duy trì mức độ minh bạch và khả năng dự đoán về vũ khí tấn công chiến lược, điều này đáp ứng lợi ích an ninh của cả hai quốc gia và toàn thế giới.
Phía Nga cho biết đã chuyển văn bản liên quan cho Mỹ dựa trên đề xuất cùng nhau xây dựng một "phương trình an ninh" mới có tính đến toàn bộ yếu tố ổn định chiến lược, bao gồm cả sự phát triển trong lĩnh vực vũ khí và công nghệ quân sự.
Nga cũng cho rằng, các bên cần thảo luận thực chất về chủ đề đảm bảo an toàn cho các hoạt động ngoài không gian và ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian.
Tuyên bố lưu ý, phía Nga mong đợi chính quyền mới của Mỹ có cách tiếp cận mang tính xây dựng đối với New START, đồng thời khẳng định, Nga sẵn sàng cho công việc như vậy trên nguyên tắc bình đẳng và tính đến lợi ích của các bên.
Hiệp ước New START được lãnh đạo Nga - Mỹ ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011.
Các điều khoản trong hiệp ước này quy định, mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
Thỏa thuận quy định, Nga và Mỹ mỗi năm 2 lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng.
Ngày 5/2/2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START. Sau đó, đến ngày 5/2/2021, hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.