Tuần trước, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đề xuất dự luật chấm dứt Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc với lý do cơ chế này đã dẫn đến mối quan hệ mất cân bằng và không công bằng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các chính trị gia Mỹ thường đe dọa thu hồi PNTR. Năm ngoái, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố ông sẽ “loại bỏ hoàn toàn” sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc bằng cách chấm dứt thỏa thuận này.
Dưới quy chế PNTR, Mỹ đối xử bình đẳng với các đối tác thương mại và trao cho họ những lợi thế như thuế quan thấp hơn cũng như ít rào cản thương mại hơn.
Washington đã cấp quy chế PNTR cho Bắc Kinh vào năm 2000, sau khi Trung Quốc đồng ý gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Kể từ đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng gấp 4 lần lên 536 tỷ USD vào năm 2022. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng tăng. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Mỹ bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí và đồ nội thất. Các chính trị gia tuyên bố rằng làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào Mỹ đã khiến việc làm trong nước bị thiệt hại.
Mỹ duy trì PNTR với hầu hết các quốc gia. Việc xóa bỏ tình trạng thương mại này sẽ đưa Trung Quốc vào cùng hạng mục với các quốc gia như Nga, Triều Tiên, Cuba và Belarus.
Dự luật mới, do các Thượng nghị sĩ Tom Cotton, Marco Rubio và Josh Hawley đề xuất, sẽ tìm cách chấm dứt PNTR và áp dụng thuế quan theo từng giai đoạn đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong 5 năm. Những người ủng hộ cho rằng việc thu hồi quy chế này sẽ bảo vệ Mỹ trước sự mở rộng thị trường của Trung Quốc và cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc xóa bỏ tình trạng thương mại có thể làm tăng chi phí hàng hóa cho người tiêu dùng Mỹ, từ đó gây ra lạm phát và khiến GDP giảm. Họ cho rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Trung Quốc trả đũa, dẫn đến thâm hụt thương mại có khả năng cao hơn nữa.
Viện nghiên cứu tự do Cato cho biết việc áp thêm thuế quan sau khi thu hồi PNTR sẽ gây thêm bất ổn kinh tế và làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của các công ty Mỹ.
Theo công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết việc thu hồi PNTR có nghĩa là xóa bỏ mọi loại trừ đối với thuế quan Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ, áp dụng mức thuế nhập khẩu tương tự như các quốc gia không có quan hệ thương mại bình thường như Triều Tiên và Cuba. Các chuyên gia của Oxford Economics ước tính tổng thiệt hại đối với GDP Mỹ là 1,6 nghìn tỷ USD trong 2025-2030 và 744.000 việc làm biến mất, trong trường hợp Trung Quốc không trả đũa.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết tác động sẽ không đồng đều trên toàn nền kinh tế. Các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất và khai khoáng chịu thiệt hại lớn nhất.
“Việc hủy bỏ PNTR đối với Trung Quốc sẽ khiến việc làm trong các lĩnh vực này sụt giảm, dẫn đến tình trạng tái phân bổ lao động vào lĩnh vực dịch vụ. Có lẽ đây không phải là kết quả mà những người ủng hộ việc hủy bỏ PNTR mong muốn”, các tác giả viết. Báo cáo Peterson cho biết động thái này có thể làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ.
Bên cạnh những tác động đối với Mỹ và Trung Quốc, Deborah Elms từ nhóm vận động thương mại Hinrich Foundation cho biết động thái đơn phương như vậy có thể tác động đến hệ thống thương mại toàn cầu và khiến các thành viên khác của WTO hành động.
Trong 1 ghi chú, Deborah Elms cho biết: “Một khi thần đèn thoát khỏi chiếc đèn, rất có thể các thành viên WTO khác sẽ làm theo Mỹ bằng cách áp đặt một loạt các hạn chế thuế quan mới đối với nhau”.
Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ cho biết máy tính xách tay, điện thoại thông minh và máy tính bảng, hiện đang được miễn thuế theo Mục 301, sẽ phải tăng giá nếu quy chế PNTR bị hủy bỏ.
Ed Brzytwa, Phó Chủ tịch thương mại quốc tế của hiệp hội, cho biết: “Một số nhà hoạch định chính sách ở Washington dường như nghĩ rằng việc thu hồi quy chế quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc là một cách để ‘gây hấn’ với Trung Quốc, nhưng báo cáo của chúng tôi cho thấy rằng họ thực sự đang ‘gây hấn’ với người tiêu dùng Mỹ”.
Việc xóa bỏ PNTR sẽ cần phê duyệt của tổng thống. Vào năm 2022, Nhà Trắng, với sự ủng hộ của Quốc hội, đã hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Theo Nikkei Asia