Huawei và các nhân viên của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác hiện đang chịu lệnh cấm du lịch mới của chính quyền Mỹ. Thông báo này được đưa ra từ chính Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo. Mặc dù về mặt kỹ thuật, việc hạn chế thị thực này trái ngược với lệnh cấm du lịch truyền thống, nhưng động thái này sẽ khiến Huawei và những công ty khác gặp khó khăn hơn khi làm việc với các công ty Mỹ.
Lệnh cấm sẽ được áp đặt bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Và nó sẽ áp dụng cho bất kỳ công ty nào tham gia hoặc có liên quan tới cái gọi là "vi phạm và lạm dụng nhân quyền" trên phạm vi toàn cầu.
"Các công ty viễn thông trên toàn thế giới nên tự cân nhắc về thông báo: Nếu họ đang làm việc với Huawei, hoặc họ đang làm việc với những người vi phạm nhân quyền", ông Pompeo nói.
Mặc dù vậy, các quy tắc mới để vào Mỹ sẽ không nhất thiết ảnh hưởng đến tất cả nhân viên Huawei, theo cách thức giống hệt nhau. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ xác định những nhân viên hay cá nhân nào có thể hoặc không thể vào. Như đã nêu trong thông báo về lệnh cấm, chỉ những cá nhân "nhất định" sẽ không được vào Mỹ.
Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về quyết định này chưa được công bố. Thay vào đó, ông Pompeo chỉ ám chỉ những nhân viên tham gia hoặc bị phát hiện có "vi phạm nhân quyền". Thậm chí định nghĩa hay khái niệm về các vi phạm và lạm dụng liên quan cũng không được nêu chi tiết.
Theo trang web chính thức của Huawei thì công ty này có không dưới 194.000 nhân viên. Và số lượng người này trải rộng trên hơn 170 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Và ngôn ngữ được sử dụng trong thông báo dường như cho thấy rằng bất kỳ nhân viên nào trong số đó cũng có thể phải đối mặt với các hạn chế.
Tuy nhiên nó cũng không nói rõ ràng ngay lập tức làm thế nào chính phủ Hoa Kỳ sẽ theo dõi số nhân viên này, hoặc những tiêu chí nào sẽ cần phải được đáp ứng để xác định ai là người không tham gia vào các vi phạm. Cũng chưa rõ liệu sẽ có bất kỳ hình thức truy đòi nào dành cho nhân viên, nếu họ bị đánh giá nhầm.
Hiện Huawei vẫn chưa có phản hồi gì với thông báo mới này. Công ty này đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc gián điệp từ chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, các hạn chế mới nhất này không xoay quanh những khiếu nại tương tự trong quá khứ, bởi trọng tâm ở đây là vi phạm nhân quyền và lạm dụng.
Các hạn chế xuất hiện vào thời điểm căng thẳng nhất của công ty, khi Huawei gần đây đã bị từ chối truy cập để tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G của Vương quốc Anh. Nó cũng đang phải đối mặt với một cuộc chiến tìm nguồn cung ứng phụ tùng cho các thiết bị và sản phẩm 5G của mình.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gia tăng trên một loạt các mặt trận trong những tuần gần đây, bao gồm cả coronavirus, thương mại và vụ việc liên quan tới chính sách mới của Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong. Tổng thống Donald Trump hôm 14/7 đã ký một sắc lệnh hành pháp với các điều khoản chấm dứt các ưu đãi kinh tế mà Hồng Kông đã nhận được trong nhiều năm. Ông Trump cũng đã ký một dự luật được Quốc hội phê chuẩn để xử phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc.
Trung Quốc thì cho rằng các động thái này là sự can thiệp thô bạo trong các vấn đề nội bộ và tuyên bố sẽ trả đũa.
Tham khảo androidheadlines