Phát biểu tại một hội thảo ở Singapore ngày 13/8, các chuyên gia tin rằng tình trạng căng thẳng ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Iran đang làm dấy lên nỗi lo ngại tại châu Á về nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai, trong bối cảnh Tehran xoay trục về phía Bắc Kinh và Moskva.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Hitoshi Tanaka - cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - nhận định các lệnh trừng phạt khắc khổ của Washington nhằm vào Tehran sẽ buộc quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này phải “tìm kiếm những biện pháp thay thế để sống sót”.
Ông Hitoshi Tanaka. Ảnh: Reuters
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sử dụng chiến thuật "gây sức ép tối đa" nhằm vào Iran trong năm nay, nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. “Rõ ràng mọi người đều dự đoán việc Iran hướng về Trung Quốc và Nga. Điều này sẽ tạo ra một sự chia rẽ toàn cầu. Chúng tôi đang nói về nguy cơ xảy ra Chiến tranh Lạnh thứ hai”, ông Tanaka, Chủ tịch Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nói.
Sự kiện về quan hệ Mỹ - Iran do Viện Trung Đông và Đại học Quốc gia Singapore đồng tổ chức còn có sự tham dự và đóng góp ý kiến của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage cùng cựu Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ MJ Akbar.
Washington và Tehran đã rơi vào mâu thuẫn sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015 và khôi phục toàn bộ chương trình trừng phạt nước này.
Về phần mình, Trung Quốc đã lên án “các lệnh trừng phạt đơn phương” trên, đồng thời tiếp tục mua dầu của Iran, bất chấp nỗ lực của Chính quyền Trump muốn bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu khí của Tehran.
Trong khi đó, số vụ tấn công ngày càng gia tăng tại Eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch nối các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông với thị trường châu Á và châu Âu, ví dụ như những vụ tấn công, bắt giữ tàu thương mại và vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6.
Cục Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày có đến 21 triệu thùng dầu thô và dầu lọc được vận chuyển qua eo biển này, ước tính trị giá 1,17 tỷ USD. Bất kỳ sự cố gián đoạn lớn nào đối với tuyến đường biển quan trọng này cũng có thể tác động đến nguồn cung dầu toàn thế giới cũng như đẩy giá dầu lên cao.
Tổng thống Trump đã yêu cầu các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản nên bảo vệ tàu chở dầu của họ thông qua việc tham gia liên minh tuần tra trên biển tại Vùng Vịnh do Washington đề xuất.
Ông Pan Guang, Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu Trung Đông của Trung Quốc, phát biểu với trên 200 người dự hội thảo rằng các công ty đã buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Iran. Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhiều doanh nghiệp quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Nga và châu Âu, đã tự tin mở công ty tại cả Mỹ lẫn Iran. “Giờ đây, bất ngờ, Mỹ lại trừng phạt Iran. Hiện, các công ty đó lại phải đưa ra lựa chọn, hoặc rời bỏ Iran hoặc rời bỏ Mỹ”, ông Pan chia sẻ.
Ông Pan Guang cho rằng sau khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên nghiêm trọng, có thể nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chọn duy trì hoạt động kinh doanh tại Iran.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Ảnh: EPA
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Hitoshi Tanaka lập luận dựa trên những vị thế khác biệt của Mỹ và Trung Quốc tại Iran, các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á cũng sẽ đối mặt với tác động kinh tế khi buộc phải lựa chọn giữa hai “ông lớn”.
Cố vấn năng lượng Tilak Doshi cũng đề cập đến vấn đề tăng giá dầu đột ngột trong trường hợp xảy ra sự gián đoạn đối với hoạt động hàng hải ở Eo biển Hormuz. Theo ông, các nền kinh tế ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Philippines sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Ông Tanaka cho biết nhiều quốc gia đã tham vấn Iran và vẫn còn thời cơ để họ thuyết phục Tehran thoát khỏi bế tắc. Ông cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể đóng góp vai trò của mình trong vấn đề này. Thủ tướng Abe từng tuyên bố trước khi quyết định có tham gia liên minh quân sự của Mỹ hay không, ông sẽ nỗ lực hết sức để giảm căng thẳng Mỹ - Iran.
Độc giả đọc tin gốc tại đây