Giới chức quân sự Mỹ kỳ vọng, dòng vũ khí phòng thủ tên lửa mới có thể được bàn giao sau năm 2023.
Hiện tại, do thiếu các vũ khí phòng thủ tên lửa tầm ngắn và trung, Quân đội Mỹ đã chọn mua các tổ hợp Iron Dome từ Israel như một giải pháp tạm thời. Về vấn đề này, Thiếu tướng Brian Gibson thuộc Lục quân Mỹ cho biết, việc chọn mua Iron Dome là cần thiết, bởi Quân đội Mỹ hiện không có lựa chọn nào tối ưu hơn.
Giới chức quốc phòng Mỹ đánh giá cao khả năng tác chiến của tổ hợp Iron Dome trong chiến đấu tại Trung Đông và nhấn mạnh việc Quân đội Mỹ cần những tổ hợp vũ khí hiệu quả như vậy.
Các tổ hợp phòng thủ tên lửa mới của Mỹ sẽ thuộc mạng lưới chỉ huy phòng không-phòng thủ tên lửa tích hợp (IBCS). Nguyên tắc hoạt động của tổ hợp vũ khí phòng thủ tên lửa mới của Mỹ đang được xây dựng dựa trên cơ sở của tổ hợp Iron Dome.
Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng tới 150km vuông, mỗi tiểu đoàn Iron Dome bao gồm một trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi và dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.
Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở việc, tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn tiêu diệt mục tiêu.
Ngoài khả năng phòng thủ tên lửa, Iron Dome cũng có chức năng phòng không chống lại các mục tiêu bay thông thường.Hồi tháng 8-2019, Israel và Mỹ đã ký thỏa thuận cung cấp ít nhất 2 tổ hợp tên lửa đánh chặn Iron Dome.
Nhiều khả năng, Quân đội Mỹ đã đặt mua phiên bản Iron Dome Block II được cải thiện khả năng kháng nhiễu và tỷ lệ đánh chặn thành công.
Tổ hợp Iron Dome có tỷ lệ đánh chặn thành công rất cao tới gần 90%. Ảnh: Jerusalem Post
Iron Dome được đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất thế giới. Các tổ hợp Iron Dome trong biên chế Quân đội Israel tỷ lệ thành công tới hơn 90% khi triển khai hoạt động tại Dải Gaza, địa điểm thường xuyên bị tấn công bởi đạn cối, rocket và đạn pháo từ vùng lãnh thổ Palestines.