Mỹ đang đẩy Canada và Anh vào cuộc đấu với Trung Quốc và Iran?

Song Hy |

Lôi kéo Canada, Anh vào cuộc đối đầu với Trung Quốc và Iran, Mỹ san sẻ gánh nặng đối phó với các đối thủ dựa vào cú "thiêu thân" của đồng minh thân cận.

Mỹ đang phải căng mình dàn sức trên 3 mặt trận: đối phó với Triều Tiên, cạnh tranh với Trung Quốc và đối đầu với Iran. Việc phải dàn trận đối phó với 3 đối thủ không dễ chơi này tiêu hao nhiều sức lực và tiền bạc của nền kinh tế lớn nhất thế giới .

Thay vì "đơn thương độc mã" trong các cuộc đối đầu chưa biết điểm dừng, Washington chọn một sách lược khôn ngoan hơn: lôi kéo các đồng minh thân cận san sẻ gánh nặng. Để ghi điểm với Mỹ, Canada và Anh nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi. Nhưng chính sự nhiệt tình này đang khiến họ ngấm đòn với các cú ăn miếng, trả miếng từ Bắc Kinh và Tehran.

Iran

Khi Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Bolton hồ hởi khen ngợi Anh bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran tại eo biển Gibraltar, nghe qua tưởng như hỷ sự bất ngờ. Nhưng các bằng chứng cho thấy đội an ninh quốc gia của ông Bolton đã trực tiếp nhúng tay vào vụ bắt giữ, để rồi nó thổi bùng lên căng thẳng giữa Iran và Anh.

Các chính trị gia bảo thủ của Anh vốn đang quay cuồng trong cuộc đua chọn Thủ tướng mới và Brexit "sập bẫy" Mỹ. Hậu quả của vụ bắt giữ Grace 1 quá rõ ràng. Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh, đúng với lời cảnh báo sẽ trả đũa trước đó.

Không rõ Mỹ đã ngã giá gì để Anh gật đầu chấp thuận nhảy vào chảo lửa ở Vùng Vịnh, nhưng London chắc chắn khó mường tượng được viễn cảnh hiện tại khi mà họ đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng quốc tế. Việc Anh tổ chức tới 3 cuộc họp khẩn sau khi tàu chở dầu bị bắt giữ cho thấy xứ sở sương mù chưa có sách lược chuẩn bị để đối phó với sự vùng lên mạnh mẽ của Iran.

Khi lệnh cho Thủy quân lục chiến bắt giữ Grace 1, Anh chứng minh họ sẵn sàng "góp lửa" san sẻ chiến lược đối đầu với Iran của Mỹ, tương tự như cách họ bày tỏ đồng tình khi Washington lên án các hành động gây bất ổn trong khu vực và tham vọng hạt nhân của Iran.

Trước khi Stena Impero bị bắt giữ, Anh gửi thông báo tới tàu tuần tra nhưng vô hiệu. Điều này phần nào cho thấy thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ các tàu chở dầu của mình. Nhưng không loại trừ khả năng London không muốn làm căng với Iran vì lo sợ bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang với quốc gia Trung Đông.

Trong khi Anh ngồi trên đống lửa, ông Bolton có vẻ như đang thảnh thơi khi kế hoạch mình vạch sẵn đi đúng theo lộ trình.

Tờ El Pais của Tây Ban Nha dẫn các nguồn tin thân chận cho biết Grace 1 bị Mỹ giám sát từ tháng 4 sau khi rời Iran. Khi con tàu hướng tới nhà máy lọc dầu Banias của Syria, Mỹ "phím" trước với Tây Ban Nha về tình hình. Madrid đồng ý theo sát con tàu nhưng không hành động gì vào thời điểm đó. Không lôi kéo được Tây Ban Nha, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ phao tin cho Anh. London lập tức nhận lời. Không lâu sau đó, 30 lính thủy đánh bộ Anh xông vào tàu chở dầu Iran, bắt giữ các thành viên thủy thủ đoàn trong một động thái mà Tehran lên án là không khác gì cướp biển.

Đến chính Tây Ban Nha cũng tỏ ra bất bình trước hành động của London. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell tỏ ra bức xúc trước việc Anh xâm nhập vào vũng lãnh hải Gibraltar và biểu thị sự bực dọc khi đại sứ Tây Ban Nha ở Tehran bị triệu tập để giải thích về vai trò của Madrid trong vụ việc. Ông này sau đó cũng khẳng định: “Tàu chở dầu của Iran bị Anh bắt theo yêu cầu từ Mỹ”.

Theo The Guardian, việc Anh hứng đòn trả đũa từ Iran cũng làm lộ thêm sự cô lập trong ngoại giao của Anh. Lời kêu gọi hỗ trợ quốc tế của Anh bị các nước bỏ ngoài tai, ngoại trừ Pháp và Đức. Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn dầu từ Vùng Vịnh tỏ thái độ rằng họ không rảnh mà chìa tay giúp đỡ.

Ván bài của ông Bolton rõ ràng đã thành công. Bất chấp nghi ngờ, Anh vẫn chấp nhận đem thân mình ra hy sinh trong cuộc đối đầu Mỹ-Iran. Không rõ Mỹ dùng mật ngọt gì để dụ dỗ nhưng với việc đe dọa Iran, Anh đang khiêu vũ một cách mù quáng theo nhịp trống chiến tranh của ông Bolton.

Canada

Câu chuyện của Anh dường như là "kịch bản cải biên" từ vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạch Vãn Chu cách đây hơn nửa năm. Nhân vật chính khi đó là Canada, vai phản diện do Trung Quốc đảm nhận còn Mỹ tiếp tục nắm giữ vai quần chúng "giật dây".

Xuôi theo Mỹ, Canada bắt giữ bà Mạch, nhân vật kín tiếng nhưng có ảnh hưởng lớn ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Ottawa khẳng định họ tuân thủ đầy đủ mọi quy tắc khi bắt giữ con gái nhà sáng lập Huawei, người bị cáo buộc thông qua việc sử dụng công ty con của Huawei - Skycom Tech thực hiện các giao dịch với Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington.

Nhưng bắt giữ CFO của Huawei không phải là vấn đề nhỏ, nó tương tự như việc Trung Quốc bắt giữ CEO Tim Cook của Apple bởi vai trò rất lớn của Huawei trong chiến lược phát triển công nghệ toàn cầu của Bắc Kinh.

Các chính khách Canada khi đó bày tỏ lo ngại vụ bắt giữ có nguy cơ trở thành một thảm họa chính sách đối ngoại dài hạn đối với một chính phủ tương đối trẻ và thiếu kinh nghiệm của Thủ tướng Justin Trudeau.

Lo lắng cuối cùng cũng biến thành hiện thực. 12 ngày sau khi bà Mạch bị bắt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố bắt giữ 2 công dân Canada vì nghi liên quan đến các hoạt động làm hại an ninh quốc gia của nước này. Liên tiếp trong nhiều tháng kế đó, số công dân Canada bị bắt giữ tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại với trường hợp mới nhất được ghi nhận cách đây hơn nửa tháng bất chấp hàng loạt lời kêu gọi từ Ottawa.

Mỹ đang đẩy Canada và Anh vào cuộc đấu với Trung Quốc và Iran? - Ảnh 1.

Dầu cải trở thành nạn nhân sau vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: Reuters)

Bắt người chưa đủ, Bắc Kinh còn đánh vào thương mại. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada sau Mỹ và cũng là đối tác Ottawa tích cực tăng cường thương mại và đầu tư sau khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi đáng kể vì chiến tranh thương mại.

Hồi tháng 5, Canada phải cầu cứu Mỹ giúp giải quyết tranh cấp với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ngừng nhập khẩu dầu hoa cải và cấp phép nhập khẩu cho hai nhà sản xuất thịt lợn của Canada.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu dầu ăn Canada sang Trung Quốc giảm gần 70% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2018 khi các công ty Trung Quốc cắt giảm sức mua từ các nhà cung cấp lớn nhất của Canada.

Một tàu dầu cải của Canada cũng khốn đốn trong cảnh lênh đênh giữa biển suốt 4 tuần do giới chức Trung Quốc dù nhiều lần kiểm tra chất lượng hàng hóa nhưng vẫn không để con tàu cập cảng.

Nhiều khả năng các kịch bản với Anh và Iran nằm sẵn trong tính toán của Mỹ. Với Washington, họ dường như đang hài lòng khi đòn “ném đá giấu tay” của mình thành công và cũng chẳng mấy quan tâm ai sẽ bị tổn thương sau sách lược đó, kể cả là đồng minh thân cận Anh hay Canada.

Với việc đưa các đồng minh ra "đầu sóng ngọn gió" làm bia đỡ đạn, Mỹ buộc Trung Quốc và Iran phải phân sức đối phó dù đang phải vật lộn trong cuộc đối đầu với Washington. Khi Tehran và Bắc Kinh mải miết bàn kế đáp trả, Mỹ rảnh tay hơn khi tính kế đối phó với họ.

Không rõ Canada và Anh có hối hận vì đã nhảy lên con thuyền chông chênh có thể khiến họ chết chìm hay không, nhưng sự thật nhãn tiền mà cả 2 quốc gia này đang phải đối mặt là những thương tổn nặng nề, những vết cắt rách da, rách thịt vào thương mại và quân sự mà hai đối thủ của Mỹ gây ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại