Điều này dẫn đến thắc mắc phải chăng Mỹ đang chuẩn bị cho điều mà nhiều người xem là không tưởng lúc này - một cuộc xung đột quân sự với đất nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, đe dọa đến tính mạng hàng triệu người?
Trong tuần này, các máy bay ném bom B-1B của Mỹ xuất hiện trên bầu trời Hàn Quốc cùng với chiến đấu cơ của nước chủ nhà trong màn phô trương lực lượng ngày càng quen thuộc với Bình Nhưỡng. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói "chỉ có một giải pháp hiệu quả" cho vấn đề Triều Tiên và đề cập đến "khoảng lặng trước cơn bão".
Ông John Kelly, Chánh văn phòng Nhà Trắng, hôm 12-10 tuyên bố Triều Tiên không thể được phép phát triển khả năng tấn công Mỹ nhưng nói thêm mối đe dọa này vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Ông Jim Schoff, từng làm cố vấn về chính sách Đông Á cho Lầu Năm Góc, cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ dường như không nghĩ rằng chúng ta đang bên bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Washington không tính đến khả năng tiến hành một vụ tấn công hạn chế để đáp trả hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Theo ông Schoff, các chuyến bay thường xuyên của máy bay B1-B không chỉ phát đi tín hiệu về quyết tâm của Mỹ mà còn nhằm luyện tập các chuyến bay dài từ lãnh thổ Guam thuộc Mỹ, từ đó ít nhiều biết được Triều Tiên có những loại hệ thống phòng không gì và phản ứng ra sao.
Một chiếc B-1B Lancer cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam hôm 10-10. Ảnh: Reuters
Hôm 10-10, ông chủ Nhà Trắng đã thảo luận với các lãnh đạo quân sự, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, về những biện pháp đáp trả bất kỳ hành động nào của Triều Tiên nhằm đe dọa Mỹ và các đồng minh bằng vũ khí hạt nhân.
"Nếu chúng ta quyết định không kích một số vị trí chiến lược ở Triều Tiên, cuộc tấn công có thể xảy ra rất nhanh" - ông Rob Givens, một cựu tướng không quân Mỹ, nhận định.
Theo ông Givens, trừ khi Mỹ quyết định công khai tăng cường hiện diện quân sự ở Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên, công chúng khó có thể biết trước khi nào một cuộc tấn công sắp xảy ra.
Dù vậy, không có nhiều dấu hiệu cho thấy những bên liên quan đang sẵn sàng cho kịch bản tái diễn chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Tại một hội nghị của Đảng Lao động Triều Tiên vào tuần rồi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành phần lớn bài phát biểu để nói về vấn đề kinh tế dù không quên chỉ trích "đế quốc Mỹ". Còn tại Hàn Quốc, vẫn chưa có động thái nào nhằm chuẩn bị sơ tán dân thường, trong đó có hơn 100.000 người Mỹ.
Dù vậy, ông Givens cảnh báo rằng Triều Tiên có thể đáp trả ngay cả khi xảy ra một vụ không kích hạn chế. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn hơn nếu quyết định có bước đi như thế.