Mỹ đàn áp thương mại Nga: Trung Quốc tìm đến kênh giao dịch ngầm tốn kém, Nga 'biến thành Iran'?

Hữu Hiển |

Các đối tác thương mại quan trọng của Moscow đang ngày càng lạnh nhạt, khiến khối lượng xuất khẩu giảm sút do lo ngại ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tờ Financial Times mới đây đưa tin, các chuyến hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đến Nga đã giảm đáng kể trong quý đầu tiên của năm nay. Ví dụ, xuất khẩu từ Ankara đã giảm 3 năm liên tiếp, trong khi các mặt hàng "ưu tiên cao" gửi đến Nga đã giảm 40%. Đây là những mặt hàng tiêu dùng rất quan trọng đối với Nga.

Mỹ đàn áp thương mại Nga: Trung Quốc tìm đến kênh giao dịch ngầm tốn kém, Nga 'biến thành Iran'?- Ảnh 1.

Theo Financial Times, đằng sau sự thay đổi này là Bộ Tài chính Mỹ. Sau khi lệnh hành pháp tháng 12/2023 tăng cường sức mạnh trừng phạt, bộ này đã gia tăng cảnh báo nhằm vào những thực thể cho vay nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với Nga.

Những thực thể đó bao gồm cả các ngân hàng ở các quốc gia khác, chẳng hạn như UAE và Áo. Để tránh những hậu quả đến từ phương Tây mà các nhà giao dịch và nhà đầu tư hiện đang thực tế cảm nhận được, hầu hết các thực thể này đã thắt chặt quan hệ với các đối tác Nga.

"Sau mỗi tháng càng khó khăn hơn. Tháng này là đô la, tháng sau là euro. Trong vòng sáu tháng về cơ bản bạn sẽ không thể làm được gì. Điểm cuối hợp lý của việc này là biến Nga thành Iran", một nhà đầu tư cấp cao của Nga nói với Financial Times, đề cập đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Khó khăn của Nga trong việc chuyển tiền hoặc hàng hóa là một nguy cơ ngày càng tăng, khi nước này đã tăng cường chi tiêu thời chiến để duy trì nền kinh tế.

Theo Financial Times, ở Trung Quốc, các kênh giao dịch ngầm đang mọc lên khi các công ty của nước này tìm kiếm những cách khác để tiếp cận người tiêu dùng Nga. Với việc nhiều ngân hàng không còn là lựa chọn, các nhà môi giới tiền tệ và tiền điện tử – một loại tài sản bị cấm ở Trung Quốc – đang trở nên phổ biến.

Về phía Nga, sự gia tăng của số lượng người môi giới đang làm giảm lợi nhuận. Theo Financial Times, nhà tài phiệt kim loại Vladimir Potanin gần đây đã đổ lỗi cho những người môi giới này khiến doanh thu của công ty ông sụt giảm, với lý do họ nhận được hoa hồng từ 5% đến 7%.

Nhưng trong khi những người môi giới như vậy đang gây thêm sự phức tạp và chi phí cho những ai vẫn đang cố gắng giao dịch với Nga, thì điều đó cũng có thể gây thêm khó khăn cho những nỗ lực của phương Tây trong việc theo dõi dòng chảy thương mại, các nguồn tin nói với Financial Times.

Đồng thời, cuộc đàn áp của Mỹ đã làm gia tăng giao dịch bằng đồng rúp của Nga, khi các loại tiền tệ khác ngày càng không còn dễ giao dịch.

Ví dụ, đồng rúp hiện là đồng tiền thanh toán chủ yếu khi các thương nhân Ấn Độ mua dầu thô của Nga, sau khi các đại lý ở UAE dừng thanh toán bằng đồng dirham, một nguồn tin từ ngân hàng Nga cho biết. Đó là do người nước ngoài vẫn được tự do mua rúp trên Sàn giao dịch Moscow khi thanh toán với các đối tác Nga.

Trên thực tế, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Nga được thanh toán bằng đồng rúp đã tăng lên 40% trong tháng 2, tỷ trọng này từng dao động ở mức dưới 15% trong những năm trước chiến sự Nga - Ukraine. Nhập khẩu của Nga cũng chứng kiến sự gia tăng.

Tuy nhiên, đồng rúp phải đối mặt với năng lực chuyển đổi hạn chế, gây khó khăn cho việc đạt được khối lượng giao dịch như bằng đồng đô la.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại