Binh sĩ Ukraine tập luyện sử dụng hệ thống phóng tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine.
Giới quân sự, phân tích tình báo và ngoại giao cho rằng Tổng thống Biden đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại lục địa châu Âu kể từ Thế chiến II, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công vào lãnh thổ Ukraine vào tháng 2/2022.
Kế hoạch dài lâu của Mỹ: Làm suy yếu Nga
Tháng 4/2022, người ta nhận thấy chính quyền Biden dường như đã lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn với Nga. Họ tuyên bố "chiến thắng" của Ukraine trước Nga là kết quả duy nhất chấp nhận được.
Trợ giúp quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đang được cựu tướng Mỹ Terry Wolff điều phối. Ông Wolff mới được bổ nhiệm vào Hội đồng An ninh quốc gia của chính quyền Biden.
Cựu đại tá lục quân Mỹ Lawrence Wilkerson đánh giá, chính quyền Mỹ hiện nay đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine .
Chính ông Wilkerson nhận định: "Họ thực sự muốn kéo dài xung đột vì họ muốn tác động làm thay đổi chế độ ở Moscow, gây bất ổn cho Nga, và sau đó là đến lượt Trung Quốc. Đây là chiến lược địa chính trị dài lâu của họ".
Thấy Nga chưa trả đũa, Mỹ ngày càng chủ động
Cựu đại sứ Mỹ Chas Freeman nhận xét về sự thay đổi trong quan điểm của chính quyền Biden: "Mất khoảng 8 tuần để chính quyền, thông qua cố vấn Sullivan, tuyên bố các mục tiêu cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm".
"Lúc đầu khi phản ứng lại cuộc tấn công của Nga, chính quyền Mỹ đã thận trọng để hạn chế nguy cơ khiêu khích người Nga. Nhưng sau đó, khi không thấy sự trả đũa trực tiếp nào từ phía Moscow, họ đã bắt đầu trở nên ít thận trọng".
Theo ông Freeman, việc chính quyền Mỹ bớt thận trọng là do người Ukraine chứ không phải người Mỹ đang hứng chịu thương vong và do các tuyên truyền thân Ukraine của phương Tây khá thành công.
George Beebe – từng đứng đầu bộ phận phân tích về Nga tại CIA, cho rằng Mỹ đã khá bất ngờ về mức độ thành công của Ukraine trong việc kháng cự lại Nga, và khi ấy Mỹ bắt đầu tin rằng phe họ có thể giành chiến thắng.
Về cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà Mỹ được cho là đã khởi động trên thực tế ở Ukraine, đã có một sự thống nhất của cả 2 đảng ở điện Capitol.
Một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc cứng rắn hóa chính quyền Mỹ hiện nay chính là Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Hai dự luật quan trọng mà Tổng thống Biden ký thành luật đã phản ánh xu hướng đó.
Việc ban hành luật hồi sinh chương trình cho mượn-cho thuê vũ khí và áp luật đó vào Ukraine đã được thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo tại Hạ viện Mỹ vào ngày 28/4. Hai tuần sau, Hạ viện Mỹ lại thông qua (cũng với số phiếu ủng hộ áp đảo) gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine. Lại một lần nữa, không có phiếu chống từ đảng viên phe Dân chủ Mỹ.
Bà Pelosi (thuộc phe Dân chủ) đã rất thành công trong thúc đẩy chương trình nghị sự chiến tranh tại Hạ viện, bà chỉ vấp phải sự kháng cự lấy lệ của phe Cộng hòa. Bà được đánh giá là người am tường thực chất vấn đề và chính sách.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã không đối mặt với sự phản đối nào từ phe tả liên quan đến việc cung cấp tài chính quy mô lớn cho các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.
Rủi ro tiềm ẩn nếu Mỹ sa đà
Cách tiếp cận của ông Biden đối với chiến tranh vẫn khá giống với các vị tổng thống Mỹ trước đây là Obama và Clinton, đó là theo đuổi việc đóng vai trò ngự trị toàn cầu và tầm quan trọng của các thể chế quốc tế đa phương như Liên Hợp Quốc.
Nhưng khi theo đuổi cách tiếp cận đó, Mỹ sẽ đối mặt các rủi ro nghiêm trọng.
Beebe – người có nhiều kinh nghiệm về Nga, nói rằng chính sách thời chiến của Tổng thống Biden phản ánh cách tiếp cận kiểu "trò chơi có tổng bằng 0" (thuật ngữ trong "lý thuyết trò chơi", với đại ý là "tôi được thì anh mất") mà chính Mỹ vẫn hay dùng để tố cáo Nga.
Theo Beebe, Mỹ vẫn duy trì lối suy nghĩ cứ điều gì làm suy yếu Nga và gây tổn thương cho ông Putin thì sẽ có lợi cho Mỹ.
Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo nguy cơ cho Mỹ: Một khi năng lực quân sự thông thường của Nga suy yếu, Nga có thể gia tăng khả năng sử dụng đến kho vũ khí đặc biệt của họ, đó chính là vũ khí hạt nhân .
Cựu đại sứ Freeman cảnh báo: Mỹ, NATO, Ukraine, và Nga đã bị kẹt trong xung đột kéo dài. Có thể cuộc chiến ở miền Đông và Nam Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tương tự như xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir.
Như thế sẽ có mối đe dọa thường trực về bùng nổ xung đột quân sự ở biên giới phía Đông của châu Âu và nguy cơ leo thang thành xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ, bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại nhau.
Vẫn theo ông Freeman, nếu thiếu vắng đối thoại ngoại giao nghiêm túc giữa Moscow và Washington thì khả năng leo thang xung đột là rất khó ngăn chặn.