Hai thái cực Mỹ - Trung
Huawei là một trong số những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Tập đoàn này là "trái tim" trong tham vọng của Trung Quốc về việc giảm bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tự phát triển sản phẩm ngay trong nước.
Bắc Kinh đã bơm hàng trăm tỉ USD vào kế hoạch "Made in China 2025", với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong các ngành công nghiệp như robot, ô tô điện và chip điện tử cho máy tính. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và cho ra mắt công nghệ mạng không dây 5G - với tập đoàn Huawei là "đầu tàu" - là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ đã khẳng định rõ ràng ý định sẽ đẩy lui sự phát triển "như vũ bão" của công nghệ Trung Quốc và tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu trên toàn thế giới.
"Vào thế kỉ 20, thép, than, ô tô, máy bay và tàu thủy - cùng năng lực sản xuất các sản phẩm này trên diện rộng - là nền tảng của sức mạnh quốc gia," ông James Andrew Lewis, giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, bình luận.
"Ngày hôm nay, nền tảng của an ninh và tiềm năng đất nước được định nghĩa theo hướng khác. Khả năng chế tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến mới là nguồn gốc chính cho sức mạnh kinh tế và an ninh quốc phòng".
Việc hoàn thiện và cho ra mắt công nghệ mạng không dây 5G - với tập đoàn Huawei là "đầu tàu" - là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Chính quyền Trung Quốc cũng có cái nhìn tương tự khi nhìn nhận vụ bắt giữ sếp Huawei Mạnh Vãn Chu tại Canada.
Tờ Trung Hoa Nhật Báo viết: "Mỹ đang tìm mọi cách để cản trở sự phát triển của Huawei trên thế giới bởi Huawei là công ty công nghệ dẫn đầu của Trung Quốc."
Vụ bắt giữ bà Mạnh có thể sẽ đưa căng thẳng ngày càng leo thang hơn nữa. Hiện tại, mọi chuyện đều phụ thuộc vào cách ứng xử của Mỹ và lời đáp trả từ Trung Quốc.
Áp lực gia tăng
Trong nhiều năm trở lại đây, công nghệ Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại với Mỹ - đặc biệt bởi vì mục tiêu của Bắc Kinh phụ thuộc khá nhiều vào việc "học hỏi" công nghệ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách giải quyết trực tiếp những vấn đề này. Chính phủ của ông Trump cho rằng hàng trăm tỉ USD thuế quan đánh vào hàng hóa của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn cản Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ.
Các quan chức Washington cũng khẳng định Trung Quốc cần phải chấm dứt việc ép buộc các công ty Mỹ bán đi bí mật thương mại để có thể gia nhập thị trường Trung Quốc.
Hồi tháng 4, Phòng Thương mại Mỹ đã cấm các công ty Mỹ xuất khẩu các linh kiện quan trọng cho ZTE với lí do công ty này đã vi phạm thỏa thuận trước đó - bao gồm bí mật giao dịch với Iran và Triều Tiên. Động thái này đã khiến ZTE phải tạm dừng gần như tất cả hoạt động kinh doanh trong nhiều tháng.
Vào tháng 10, Phòng Thương mại ban hành một lệnh cấm xuất khẩu tương tự với công ty sản xuất chip của Trung Quốc là Fujian Jinhua. Chính phủ Mỹ cho rằng công ty Fujian Jinhua "là mối đe dọa cực kì nguy hiểm bởi có liên quan tới những hoạt động đi ngược lại mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ".
Để đáp lại những động thái trên, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc trở nên tự lập hơn và bớt phụ thuộc vào những nhà cung cấp nước ngoài.
Mặc dù chưa rõ liệu Huawei có gặp vấn đề pháp lí hay không, nhưng có nhiều suy đoán cho rằng công ty này có thể sẽ bị cấm vận xuất khẩu giống như công ty ZTE. Ảnh minh họa: Reuters
Tuy nhiên, Huawei là một trường hợp đặc biệt. Công ty này đã đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu, phát triển và quảng bá thiết bị 5G.
Paul Triolo - người đứng đầu chính sách công nghệ toàn cầu tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group - cho biết Huawei là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất tất cả các thiết bị cần thiết cho mạng 5G, ví dụ như trạm cơ sở, trung tâm dữ liệu, ăng-ten, thiết bị cầm tay và lắp đặt chúng "ở mọi quy mô và chi phí có thể".
"Ông Tập nói rằng ông muốn Trung Quốc thống lĩnh thị trường 5G toàn cầu," ông Lewis trả lời CNN. "Rất nhiều người coi 5G là làn sóng công nghệ tiếp theo [và nghĩ rằng] nó sẽ là đột phá giống như Internet hoặc điện thoại thông minh."
Mỹ nắm giữ phần nhiều lợi thế
Nhưng theo CNN, nếu Huawei muốn thành công trong việc xây dựng mạng lưới 5G, tập đoàn này buộc phải nhờ đến Mỹ.
Trong số 92 nhà cung cấp chính cho Huawei, có 33 công ty Mỹ, bao gồm hãng sản xuất chip Intel, Qualcomm, Micron, các hãng phần mềm như Microsoft và Oracle.
Ông Tom Holland tại Viện Nghiên cứu Gavekal cho biết: "Nếu Washington cấm những công ty này bán sản phẩm cho Huawei, thì gã khổng lồ của viễn thông Trung Quốc sẽ điêu đứng".
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể dẫn tới những hệ quả khác nhau. Chính phủ Mỹ cho rằng bà Mạnh đã che giấu hoạt động vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Iran. Đây cũng là điều các công tố viên phát biểu tại phiên điều trần của bà Mạnh tại Vancouver vào ngày 7/12 vừa qua.
Mặc dù chưa rõ liệu Huawei có gặp vấn đề pháp lí hay không, nhưng có nhiều suy đoán cho rằng công ty này có thể sẽ bị cấm vận xuất khẩu giống như công ty ZTE.
Trừng phạt ở mức độ nói trên - một khi được áp dụng - sẽ là thảm họa đối với Huawei và "làm trật đường ray" tham vọng triển khai mạng 5G ở quy mô thương mại lớn vào năm 2020 của Bắc Kinh.
"Vụ bắt giữ giám đốc CFO tại Canada sẽ ngày càng làm tổn hại kế hoạch triển khai mạng 5G của Trung Quốc, bởi việc Mỹ cấm vận lên Huawei có thể hoặc là làm trì hoãn thời điểm ra mắt của 5G, hoặc là giảm đáng kể quy mô của hệ thống mạng này vào thời gian ra mắt.
Tóm lại, một khi Mỹ ban hành cấm vận, hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ dậm chân tại chỗ," ông Lewis cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia, trong trường hợp này, Mỹ đang "nắm đằng chuôi".
Hiện tại, Huawei đã gặp nhiều rắc rối trong việc triển khai công nghệ 5G giữa những quan ngại cho rằng thiết bị của hãng đang đe dọa tới an ninh quốc gia. New Zealand và Australia đã cấm thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng của các nước này.
Tập đoàn BT của Anh mới đây thông báo sẽ không sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng không dây 5G vì quan ngại về rò rỉ thông tin.
Nhưng việc chính thức trừng phạt Huawei còn có những hậu quả nghiêm trọng hơn trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.
"Hai nước sẽ đẩy mạnh nỗ lực nhằm trở nên độc lập hơn, và Trung Quốc sẽ tìm cách vượt mặt Mỹ. Ví dụ, Bắc Kinh có thể sẽ giảm đặt hàng máy bay của Boeing, hoặc nhắm tới các công ty Mỹ vi phạm luật pháp Trung Quốc. Họ hi vọng rằng trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ không còn cần đến Mỹ nữa," một chuyên gia công nghệ nói.