Mỹ đã làm những gì ở Syria rồi đột ngột rút quân?

Thanh Hảo |

Mỹ vừa quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria, dọn dường cho một chiến dịch quân sự được dự đoán sẽ rất khốc liệt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ vừa quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria, dọn dường cho một chiến dịch quân sự được dự đoán sẽ rất khốc liệt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Washington có vai trò như thế nào trong những năm tháng qua khi Syria rơi vào xung đột.

Sức ép lên Tổng thống Assad

Ngày 29/4/2011, một tháng sau khi những cuộc biểu tình phản đối chính quyền đầu tiên ở Syria bị đáp trả bằng vũ lực, Washington đã áp đặt cấm vận lên một số quan chức chính quyền Damascus. Biện pháp này được sử dụng với Tổng thống Bashar al-Assad tháng sau đó.

Ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các đồng minh phương Tây lần đầu tiên thúc giục ông Assad từ chức. Tháng 10 cùng năm, Đại sứ Mỹ rời khỏi Syria vì "các lý do an ninh". Damascus triệu hồi đại sứ khỏi Washington.

Obama lùi khỏi "lằn ranh đỏ"

Tháng 8/2013, chính phủ Syria bị cáo buộc thực hiện một vụ tấn công vũ khí hóa học gần Damascus làm hơn 1.400 người chết, theo Washington.

Dù tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu Syria đi quá "lằn ranh đỏ" vũ khí hóa học, Tổng thống Onama vào phút chót quyết định không tấn công trừng phạt nhằm vào hạ tầng của chính quyền ông Assad. Thay vào đó, ngày 14/9, ông nhất trí một thỏa thuận với Moscow - đồng minh chính của Damascus - nhắm tới giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria.

Mỹ diệt IS

Ngày 23/9/2014, Mỹ và các đồng minh Ảrập mở chiến dịch không kích nhằm vào Syria chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mở rộng một chiến dịch đang được triển khai ở Iraq. Là phía đóng góp lớn nhất cho liên quân, Washington triển khai 2.000 binh sĩ, hầu hết là lính đặc nhiệm.

Tháng 10/2015, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh Ảrập người Kurd Syria gồm khoảng 50.000 chiến binh, được thành lập với sự ủng hộ của Mỹ. Gồm chủ yếu là dân quân YPG (Các đơn vị Bảo vệ Người Kurd), SDF được Mỹ đào tạo và hậu thuẫn dưới hình thức hỗ trợ vũ trang, không kích và tình báo.

SDF sau đó triệt hạ được IS ở miền bắc Syria, đánh bật tổ chức thánh chiến này ra khỏi vùng lãnh địa cuối cùng ở làng Baghouz vào tháng 3/2019.

Trump hạ lệnh tấn công

Ngày 7/4/2017, quân Mỹ nã một loạt tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, tin rằng đây là điểm xuất phát vụ tấn công vũ khí hóa học làm 88 người chết ở tỉnh Idlib. Đây là hành động trực tiếp đầu tiên của Mỹ chống lại chính quyền Assad, và là quyết định quân sự lớn nhất của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017.

Ngày 14/4/2018, Mỹ với sự ủng hộ của Pháp và Anh đã giáng các đòn đáp trả mới sau cuộc tấn công vũ khí hóa học được cho là do chính quyền Assad tiến hành nhằm vào Douma, thị trấn khi đó đang trong tay quân nổi dậy, làm 40 người chết.

Thông báo rút quân

Ngày 19/12/2018, ông Trump thông báo sẽ rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi Syria vì IS đã bị đánh bại. Quyết định bất ngờ này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức, đồng thời vấp phải lo ngại từ Pháp, Anh và Đức, nhưng được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh.

Ngày 16/1/2019, một vụ tấn công liều chết do IS nhận trách nhiệm đã cướp mạng sống của 4 quân nhân Mỹ cùng 15 người khác ở một khách sạn thuộc thành phố Manbij, miền bắc Syria. Đây là vụ tấn công chết chóc nhất nhằm vào các lực lượng Mỹ kể từ khi họ triển khai tới Syria.

Ngày 7/8, các nhà chức trách Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí lập một vùng đệm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực ở Syria nằm trong tay YPG, tổ chức bị Ankara coi là mối đe dọa khủng bố.

Mỹ bước sang một bên

Nhưng ngày 6/10, Washington thông báo các lực lượng Mỹ rút khỏi các khu vực biên giới để dọn đường cho một chiến dịch đã được Thổ Nhĩ Kỳ "được hoạch định từ lâu". Ngay hôm sau, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xác nhận chiến dịch của Ankara chống lại các tay súng người Kurd ở Syria sắp diễn ra.

Quyết định rút quân mà ông Trump đưa ra đã làm nóng dư luận ở Washington. Một số đồng minh thân cận kêu gọi ông hãy xem xét lại.

Lầu Năm Góc cho biết họ "không phê chuẩn" một chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria, trong khi một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington đã rút một "số lượng rất nhỏ" binh lính khỏi các khu vực dọc biên giới.

Trong một cảnh báo cứng rắn thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ "hủy hoại" hoàn toàn kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Ankara "làm điều gì đó vượt giới hạn" ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại