Không những thế, phân khúc thị trường vũ khí béo bở này từ trước tới nay vẫn bị Mỹ bỏ phí. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi khi Mỹ tuyên bố bắt đầu phát triển tổ hợp tên lửa bờ mới.
Tại sao từ trước tới nay Mỹ không chế tạo tên lửa bờ
Trước hết, có thể nhìn thấy những nguyên nhân khách quan là toàn bộ lãnh thổ Mỹ gần như nằm trên một lục địa độc lập và được các đại dương che chở. Chính vị thế, ngoài chiến tranh lập quốc, hàng trăm năm qua, Mỹ hầu như không chịu sức ép quân sự từ ngoại bang.
Điều này giúp giải thích một phần việc Mỹ không cần các tổ hợp tên lửa phòng thủ mạnh, trong đó có tên lửa bờ đối hải.
Một yếu tố nữa cần tính tới là kể từ sau Thế chiến 2 tới nay, Mỹ là quốc gia có hạm đội hải quân hùng hậu chiếm ưu thế tuyệt đối trên biển và đại dương. Chính vì lý do này, trong phần lớn các cuộc chiến, đối thủ lo sợ hải quân Mỹ, chứ không phải ngược lại.
Việc chiếm ưu thế tuyệt đối về hải quân khiến việc phát triển các tổ hợp vũ khí phòng thủ như tên lửa bờ trở nên thừa thãi và không cần thiết.
Các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ phô diễn lực lượng.
Với vai trò là cường quốc quân sự trên thế giới, học thuyết tác chiến của Mỹ thiên về tấn công phủ đầu, lấy công làm thủ và điều này vẫn đạt được hiệu quả cao từ trước tới nay.
Việc chiếm ưu thế quân sự hoàn toàn trước các đối thủ với khả năng tấn công hỏa lực ưu thế tuyệt đối trên không, trên biển, nên các tổ hợp vũ khí phòng thủ không phải là ưu tiên phát triển hàng đầu của Mỹ. Điều này cũng đúng với tổ hợp tên lửa bờ.
Cần phải nhận rõ rằng, Mỹ không phát triển các tổ hợp tên lửa bờ không có nghĩa là họ không có khả năng. Ngay trong giai đoạn phát triển, các tổ hợp tên lửa Tomahawk, Harpoon đều có biến thể trên bộ, nhưng trong quá trình sử dụng, chúng không phát huy được yếu tố thế mạnh, nên hầu hết đều bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.
Thậm chí, có thể thấy rõ Nga đã phát triển tên lửa Kh-35 Uran với nhiều nét giống với tên lửa Harpoon và dòng tên lửa này có đủ các biến thể phóng trên không, trên hạm, trên bộ.
Tuy nhiên, tư duy trên của Mỹ tới gần đây đã thay đổi và tất cả đều có lý do…
Tên lửa Kh-35 Uran thuộc hệ thống tên lửa bờ Bal-E rời bệ phóng.
Đã đến lúc người Mỹ cần tên lửa bờ
Sau nhiều thập kỷ chiếm ưu thế hoàn toàn trên biển, tới thời gian gần đây, sự trỗi dậy của các cường quốc như Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang đe dọa vị thế này của Mỹ.
Điều này đã tới nhiều hệ lụy quân sự khác, trong đó có yêu cầu chế tạo loại vũ khí phòng thủ nhỏ gọn, tầm bắn lớn, có thể không vận để bảo vệ lực lượng tác chiến của Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt là lục quân và thủy quân lục chiến. Đây chính là tiền đề để Mỹ bắt tay vào phát triển tên lửa bờ.
Năm 2016, Lầu Năm góc phê duyệt kế hoạch phát triển tổ hợp tên lửa bờ thế hệ mới. Tuy nhiên, khi bắt đầu lại công việc từ đầu, quá trình phát triển tên lửa bờ gặp phải vướng mắc công nghệ khiến quá trình phát triển có thể bị kéo dài.
Để khắc phục, giới chức quân sự Mỹ tính tới khả năng hoán cải đạn tên lửa chiến thuật MGM-140 trang bị trên xe pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS. Việc thay đổi hoàn toàn nhiệm vụ của dòng tên lửa đạn đạo đất đối đất sang đất đối hải với tầm bắn tới 300km không phải là việc dễ dàng, có thể thực hiện trong ngày 1, ngày 2.
Điều này chưa kể tới việc, MGM-140 và xe phóng M142 HIMARS không phải được phát triển cho nhiệm vụ tên lửa bờ khiến quá trình hoán cải trở nên tốn kém và thiếu hiệu quả.
Theo nhiều nguồn tin, tập đoàn Raytheon mới đây đã quyết định hợp tác với hãng chế tạo Na Uy Kongsberg phát triển biến thể tên lửa bờ của dòng tên lửa diệt hạm cận âm NSM.
Các thành phần của tên lửa bờ mới được tích hợp trên xe tải M1074 đã đáp ứng được yêu cầu của giới chức quân sự Mỹ về sự nhỏ gọn, hiệu quả, chi phí hợp lý và đặc biệt là thời gian phát triển và trang bị chính thức ngắn.
Với tầm bắn 185km, đạn tên lửa NSM được cấu tạo chủ yếu từ vật liệu tổng hợp nên có khả năng tàng hình cao, cũng như tích hợp tốt vào hệ thống tác chiến hỗn hợp của NATO.
Ngoài NSM, một số nguồn tin cho biết, Mỹ đang phát triển biến thể trên bộ của dòng tên lửa diệt hạm tương lai LRASM với tầm bắn lên tới 500km.
Tên lửa bờ NSM.
Với vai trò là quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, không mấy ngạc nhiên Mỹ bắt tay vào phát triển các tổ hợp tên lửa bờ.
Đây là phân khúc thị trường từ trước tới nay vốn nằm trong tay Nga và Trung Quốc với hàng loạt sản phẩm trải đều trên nhiều phân khúc.
Có thể dễ dàng kể tên các tổ hợp tên lửa bờ nổi tiếng của Nga như: Bal-E, Bastion-P, Rubezh hay Trung Quốc với C-802, C-805…
Các nhà thầu Mỹ liệu có thể ngồi im khi phân khúc thị trường vũ khí trị giá hàng tỷ USD này bị…bỏ ngỏ. Với sự gia tăng xung đột trên thế giới, nhu cầu đối với các tổ hợp tên lửa bờ đang có chiều hướng tăng mạnh.
Mỹ chắc chắn sẽ có phần trong miếng bánh lớn này khi bước chân vào kịp lúc. Đây có thể coi là sự thực dụng của người Mỹ.