Mỹ công nhận và Nga nhất trí "một nửa", vì sao Jerusalem vẫn không thể là thủ đô Israel?

Hải Võ |

Các lập luận được hãng Al Jazeera nêu trong bài phân tích đăng ngày 7/12/2017, sau khi tổng thống Donald Trump ký tuyên bố Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Bản tuyên bố được tổng thống Trump ký tại Nhà Trắng ngày 6/12, cùng với việc khởi động lộ trình di chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Theo Al Jazeera, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh năm 1967 với Syria, Ai Cập và Jordan. Trước đó, họ chiếm nửa phía đông của thành phố thiêng này trong cuộc chiến Ả Rập-Israel năm 1948.

Tình trạng của Jerusalem đến nay vẫn là một trong những điểm vướng mắc chính trong nỗ lực giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Mỹ công nhận và Nga nhất trí một nửa, vì sao Jerusalem vẫn không thể là thủ đô Israel? - Ảnh 1.

Nga đã công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel, còn Mỹ mới tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của nước này (Ảnh: Breaking Israel News)

Quan điểm của cộng đồng quốc tế

Bản kế hoạch Phân vùng của Liên hợp quốc năm 1947 được thông qua nhằm phân chia khu vực Palestine trước đây thành một nhà nước Do Thái, một nhà nước Ả Rập và Jerusalem. Trong đó, Jerusalem được phê duyệt tình trạng đặc biệt và đặt dưới sự quản lý cũng như chủ quyền quốc tế. Tình trạng đặc biệt này dựa trên địa vị của Jerusalem đối với 3 tôn giáo: Hồi giáo, Do Thái và Thiên Chúa giáo.

Trong cuộc chiến năm 1948, diễn ra sau đề xuất nêu trên của LHQ, các lực lượng ủng hộ nhà nước Do Thái (theo đuổi chủ nghĩa phục quốc Do Thái) đã giành quyền kiểm soát nửa phía Tây của Jerusalem và tuyên bố chủ quyền.

Đến cuộc chiến năm 1967, việc chiếm đóng Đông Jerusalem - khi đó do Jordan quản lý - đánh dấu quyền kiểm soát thực tế của Israel đối với toàn bộ thành phố này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế - bao gồm Mỹ - không công nhận thẩm quyền và quyền sở hữu của Israel đối với Jerusalem.

Năm 1980, Israel thông qua Đạo luật Jerusalem, tuyên bố "Jerusalem toàn vẹn và thống nhất là thủ đô của Israel", qua đó chính thức hóa sự sáp nhập Đông Jerusalem. Để đáp trả, Hội đồng bảo an LHQ thông qua Nghị quyết số 478 gọi Đạo luật này là "vô hiệu".

Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, chính thức coi Đông Jerusalem là lãnh thổ bị chiếm đóng. Ngoài ra, không có nước nào trên thế giới công nhận bất kỳ phần nào của Jerusalem là thủ đô Israel - cho đến đầu năm nay, khi Nga tuyên bố công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel, và ngày 6/12 vừa qua, tổng thống Mỹ Trump ký tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Tính đến nay, tất cả đại sứ quán các nước tại Israel vẫn đạt ở Tel Aviv. Với việc đại sứ quán Mỹ khởi động lộ trình di chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, Mỹ đã mở ra tiền lệ cho việc này.

Al Jazeera chỉ ra, việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem không được HĐBA thừa nhận và vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế - trong đó quy định các thế lực xâm chiếm không được công nhận chủ quyền trên các lãnh thổ mà họ chiếm đóng.

Mỹ công nhận và Nga nhất trí một nửa, vì sao Jerusalem vẫn không thể là thủ đô Israel? - Ảnh 2.

Phụ nữ Palestine ở thành phố Gaza biểu tình phản đối Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem (Ảnh: Mohammed Salem/Reuters)

Người Palestine ở Jerusalem

Ngay cả khi Israel đang kiểm soát thực tế và đã tuyên bố sáp nhập Đông Jerusalem, người Palestine sống tại đây vẫn không được cấp quốc tịch Israel.

Ngày nay, khoảng 420.000 người Palestine ở Đông Jerusalem có "thẻ cư trú dài hạn". Họ cũng có hộ chiếu tạm thời của Jordan nhưng không có mã số nhận dạng quốc gia, nghĩa là họ không hoàn toàn là công dân Jordan. Nhóm người này vẫn cần giấy phép lao động để làm việc tại Jordan, và không được hưởng các dịch vụ công cũng như phúc lợi xã hội như việc giảm học phí.

Người Palestine ở Jerusalem trên thực tế rơi vào tình trạng không quốc tịch và bị kẹt trong một "nhà tù pháp lý": Họ không phải là công dân Israel, Jordan hay Palestine.

Israel coi người Palestine ở Đông Jerusalem là lao động nhập cư và coi các quyền lợi họ được hưởng là do nhà nước Israel cung cấp, chứ không phải là quyền có được khi sinh ra tại đây. Họ bị yêu cầu hoàn thành một bộ thủ tục hành chính để duy trì tình trạng cư trú, và luôn sống trong lo sợ rằng quyền cư trú này có thể bị tước bỏ bất cứ khi nào.

Bất kỳ người Palestine nào từng sống bên ngoài ranh giới Jerusalem trong một thời gian xác định, kể cả ra nước ngoài hay tới Bờ Tây, đều có nguy cơ bị tước quyền trở lại thành phố này sinh sống.

Những người không thể chứng minh "trung tâm cuộc đời" nằm ở Jerusalem và có thể sinh sống liên tục tại đây, cũng bị tước quyền sinh sống ở thành phố nơi mình sinh ra. Họ phải nộp hàng tá tài liệu như chứng từ tài sản, hợp đồng thuê mướn và bảng lương. Nếu nhận quốc tịch từ nước khác, họ cũng bị tước quyền tại Jerusalem.

Ngược lại, bất kỳ người Do Thái nào trên thế giới đều hưởng quyền sinh sống tại Israel và được cấp quyền công dân Israel theo Luật hồi quy Israel.

Kể từ năm 1967, Israel đã tước tình trạng cư trú của 14.000 người Palestine.

Mỹ công nhận và Nga nhất trí một nửa, vì sao Jerusalem vẫn không thể là thủ đô Israel? - Ảnh 3.

Người dân Palestine trong khu Thành Cổ Jerusalem theo dõi bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (Ảnh: Reuters)

Chương trình định cư của Israel

Kế hoạch khu định cư của Israel tại Đông Jerusalem, nhằm củng cố quyền quản lý của nước này tại đây, cũng bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế.

LHQ đã tái khẳng định trong nhiều nghị quyết rằng kế hoạch định cư vi phạm trực tiếp Công ước Geneva thứ IV, trong đó cấm các nước xâm chiếm di chuyển cư dân của mình đến lãnh thổ chiếm đóng.

Một vài lý giải cho Công ước này là: Bảo đảm việc chiếm đóng chỉ là tạm thời và ngăn nước xâm chiếm thiết lập hiện diện lâu dài ở vùng chiếm đóng bằng quân sự; Bảo vệ cư dân vùng chiếm đóng khỏi việc bị tước đoạt các nguồn tài nguyên; Ngăn phân biệt đối xử và biến động lớn trong cơ cấu nhân khẩu của lãnh thổ.

Kể từ năm 1967 Israel đã xây dựng hơn 12 khu cư trú phức hợp cho người Do Thái, được gọi là các khu định cư. Một vài trong số đó nằm ngay giữa khu sinh sống của người Palestine tại Đông Jerusalem.

Khoảng 200.000 công dân Israel tại Đông Jerusalem được quân đội và cảnh sát bảo vệ, và khu định cư phức hợp lớn nhất có tới 44.000 người Israel sinh sống.

Các khu định cư như vậy thường nằm rải rác giữa những khu nhà ở của người Palestine, ảnh hưởng đến vấn đề tự do đi lại, quyền riêng tư và an ninh của họ.

Al Jazeera cho hay, bất chấp Israel tuyên bố Jerusalem là "thủ đô không chia tách", thực tế cuộc sống với những người dân ở đây lại khác nhau một trời một vực. Trong khi người Palestine sống trong điều kiện ngặt nghèo và bị phân biệt, người Israel có cuộc sống bình thường, thoải mái và được bảo trợ bởi nhà nước của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại