Nguồn: Trading Economics - Đồ họa: N.KH.
Theo báo Wall Street Journal, các quan chức FED có khả năng sẽ cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5 hay 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tiếp theo từ ngày 20-9 đến 21-9.
Lạm phát vẫn chưa ngừng lại
Ông Powell lưu ý rằng FED không chỉ quan tâm tới số liệu của một hoặc hai tháng. Họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát tiến đến cột mốc 2% về dài hạn.
Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10-8, tỉ lệ lạm phát của Mỹ trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7-2022 là 8,5%. Trước đó, tỉ lệ này nằm ở mức 9,1% vào tháng 6-2022, mức cao nhất kể từ tháng 11-1981.
Chủ tịch FED đưa ra tuyên bố này giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt ngưỡng nhưng chưa chắc sẽ giảm xuống.
Trong bài phát biểu ngày 26-8, ông Powell cho biết sự cải thiện của lạm phát trong vòng một tháng qua vẫn "còn thiếu" so với những gì FED "cần thấy", để chắc chắn rằng lạm phát đã trên đà giảm xuống.
Chứng khoán Mỹ lập tức đỏ sàn sau bài phát biểu của ông Powell ở Jackson Hole, khi chỉ số Dow Jones Industrial Average mất hơn 500 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng rơi khỏi mức cao nhất trong phiên.
FED đã liên tiếp nâng lãi suất quỹ liên bang 0,75 điểm phần trăm trong hai cuộc họp gần nhất, đưa mức lãi suất này lên 2,25 - 2,5%.
Theo báo Wall Street Journal, đây là tốc độ tăng lãi suất ngắn hạn nhanh nhất của FED kể từ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ sử dụng lãi suất quỹ liên bang làm chuẩn vào đầu những năm 1990.
Lãi suất quỹ liên bang là mức lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay trong khoảng thời gian một ngày (các khoản vay qua đêm) để có được số tiền bằng đúng yêu cầu dự trữ bắt buộc của FED.
Sau khi FED bắn tín hiệu sẽ cẩn trọng hơn với việc tăng lãi suất hồi tháng 7, thị trường tài chính kỳ vọng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào năm sau. Tuy nhiên, bài phát biểu mới nhất của ông Powell đã làm tiêu tan kỳ vọng này, theo Phó chủ tịch Krishna Guha của Hãng tư vấn Evercore ISI.
Sàn chứng khoán New York “rung chuyển” sau bài phát biểu ngày 26-8 của Chủ tịch FED Jerome Powell - Ảnh: REUTERS
"Lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và thị trường lao động yếu đi sẽ kiềm chế lạm phát. Nhưng chúng cũng sẽ mang nỗi đau đến cho các hộ gia đình và doanh nghiệp", Chủ tịch FED Jerome Powell nói, song nhấn mạnh: "Thất bại trong việc ổn định giá cả còn đồng nghĩa với nỗi đau lớn hơn".
Kinh tế có dấu hiệu chững lại
Cũng trong ngày 26-8, Bộ Thương mại Mỹ công bố chi tiêu tiêu dùng đã chậm lại trong tháng 7: chỉ tăng 0,1% so với mức tăng 1% của tháng 6. Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (công cụ đo lạm phát ưa dùng của FED) vào tháng 7 giảm 0,1% so với tháng 6.
Đài CNBC đánh giá cả hai chỉ số này cho thấy giá cả chỉ thay đổi rất nhỏ trong tháng 7, chủ yếu xuất phát từ chi phí năng lượng giảm mạnh.
Cùng lúc đó, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu chững lại. Mảng nhà ở đặc biệt suy giảm nhanh chóng, trong khi giới chuyên gia dự báo cơn sốt tuyển dụng trong vòng một năm rưỡi qua có khả năng sẽ hạ nhiệt.
Trước đó một ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,6% trong quý 2-2022. Trước đó, GDP Mỹ đã giảm 1,6% trong quý 1-2022, kết quả tồi tệ nhất kể từ mùa xuân năm 2020 khi nền kinh tế số 1 thế giới chìm sâu trong suy thoái do đại dịch COVID-19.
Theo Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), suy thoái thường được xác định bằng tăng trưởng kinh tế âm trong hai quý liên tiếp. Về đặc điểm, ngoài tăng trưởng GDP thấp hoặc âm, giai đoạn suy thoái còn có tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập và doanh thu bán lẻ giảm.
Vậy nên, dù nền kinh tế Mỹ đã có thể được xem là suy thoái về mặt kỹ thuật với tăng trưởng GDP liên tiếp giảm trong hai quý, NBER nhấn mạnh tỉ lệ thất nghiệp và chi tiêu tiêu dùng vẫn tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Trước sức ép của nguy cơ suy thoái, chủ tịch FED đã nhắc lại chính sách của những năm 1970, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ dao động giữa việc tăng lãi suất để đối phó với lạm phát và sau đó lại rụt tay để thúc đẩy tăng trưởng. Cách làm này rốt cuộc không thành công.
"Minh chứng lịch sử là lời cảnh báo mạnh mẽ chống lại việc nới lỏng chính sách quá sớm", ông Powel nhấn mạnh.
USD ở mức cao nhất trong 2 thập niên
Trong năm 2022, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập niên qua bởi chính sách kiềm chế lạm phát mạnh tay của FED. Theo Hãng tin Reuters ngày 26-8, USD đã tăng khoảng 13,5% so với các đồng tiền khác trong năm nay.
Đồng USD mạnh có thể giúp hoạt động xuất khẩu và cán cân thương mại của một số quốc gia.
Nhưng đồng bạc xanh mạnh lên cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề khác như giá nhập khẩu tăng lên, hay việc giải quyết các khoản nợ bằng đồng USD của chính phủ các nước sẽ trở nên khó khăn hơn.