Mỹ có sợ tên lửa diệt tàu sân bay của Trung Quốc không?

Anh Minh |

Mỹ có e ngại các tên lửa được nói là “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc hay không? Hãy cùng tìm hiểu.

Trong khi các cụm tàu sân bay của Mỹ ngày càng gia tăng hoạt động ở tây Thái Bình Dương, Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực phát triển năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận (anti- access/area- denial hay A2/AD). Một trong những hệ thống đó là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và máy bay ném bom Xian H-6K được trang bị các tên lửa hành trình tiên tiến.

Nhiều người Mỹ tin rằng giải pháp cho vấn đề là tăng tầm hoạt động của không đoàn trên tàu sân bay, giúp nó giữ khoảng cách với đất liên ít nhất 2.200km.

Ở khoảng cách đó, con tàu sân bay Mỹ có thể coi là ngoài tầm với của hệ thống A2/AD của Trung Quốc. Và để thực hiện điều này, hải quân Mỹ sẽ phát triển một loại máy bay tàng hình tầm xa không người lái, có thể xâm nhập, xuyên thủng những hệ thống phòng không dày đặc nhất.

Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn vấn đề với giải pháp này. Trung Quốc, theo National Interest, có thừa khả năng phát triển các tên lửa đạn đạo chống hạm hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn thậm chí lớn hơn.

Trong thực tế, có vẻ Trung Quốc đã thực hiện điều này với việc giới thiệu tên lửa DF-26 “sát thủ tàu sân bay”. Giáo sư Andrew Erickson của trường Hải chiến Mỹ viết hồi tháng 9 năm ngoài rằng tên lửa DF-26 có thể có tầm bắn hơn 4000km.

Trung Quốc đã mang tên lửa DF-26 ra diễu binh gần đây, điều đó không đồng nghĩa rằng họ có mọi cảm biến và mạng lưới điều khiển cần thiết để biến vũ khí này thành sát thủ thực sự, nhưng có nghĩa ở chỗ quân Mỹ ở trên biển sẽ không còn được tự tung tự tác như trước.

Nếu Trung Quốc có đủ phương tiện để định vị một nhóm tàu sân bay ở gần khoảng cách tối đa mà tên lửa DF-26 có thể bắn tới và năng lực nhập liệu chính xác cho loại vũ khí này để bắt bám và nhắm bắn mục tiêu, điều đó có nghĩa là cho dù có máy bay chiến đấu không người lái với khả năng tác chiến trong bán kính 2.500-3.000km thì cũng không giúp tàu sân bay tránh được nguy cơ bị tấn công.

Nhưng đâu phải bây giờ tàu sân bay Mỹ mới đối mặt với nguy cơ ấy. Bởi nguy cơ luôn tiềm tàng trong suốt cuộc Chiến tranh lạnh.

Thách thức mang tên A2/AD chỉ là một sự lặp lại các kịch bản đã được nhìn thấy trong Chiến tranh lạnh.

Trong những năm 1980, hải quân Mỹ phát triển khái niệm Không chiến bên ngoài nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công phối hợp của Liên Xô sử dụng nhiều máy bay ném bom Tu-22M Backfire cùng các tàu ngầm lớp Oscar mang tên lửa hạt nhân và thậm chí là kèm thêm các tàu mặt nước trang bị tên lửa chống hạm tầm xa.

Mặc dù khái niệm Không chiến bên ngoài chưa từng được chứng minh hiệu quả bởi một cuộc tấn công như thế chưa hề diễn ra, hải quân Mỹ vẫn không dừng sử dụng tàu sân bay như một chiến tuyến tiền phương, ngay cả khi Chiến tranh lạnh ở đỉnh điểm.

Theo cựu biên tập viên quốc phòng Dave Majumdar của National Interest,có lẽ thay vì cố đứng ngoài tầm bắn của vũ khí đối phương, Mỹ cần chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định khi đối đầu với một cường quốc khác.

Theo ông Majumdar, có lẽ đã đến lúc Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu nghiên cứu vấn đề một cụm tàu sân bay của mình sẽ sống sót và tác chiến ra sao nếu bị tấn công.

Thực ra, theo một sỹ quan hải quân Mỹ đã về hưu, hải quân Mỹ đã nghiêm túc xem xét vấn đề này. Và một số quan chức hải quân Mỹ cho rằng họ vấn có thể tấn công và chiến thắng trước hệ thống phòng thủ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Và phải chấp nhận tổn thất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại