Lập trường của các nước NATO có gì thay đổi?
Tổng thống Zelensky cho biết quyết định đó cuối cùng sẽ phụ thuộc vào lập trường của Mỹ, điều có lẽ sẽ chưa được công bố cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Ukraine coi lời mời gia nhập NATO là một đảm bảo an ninh quan trọng cho cả Ukraine và châu Âu, đồng thời là một trong những cách duy nhất để ngăn cản Nga tiếp tục chiến dịch quân sự này.
"Hiện nay chúng tôi đã nhận thấy đa số sự thống nhất của các nước liên minh và lập trường thận trọng của một vài quốc gia", ông Zelensky nói trong một trao đổi với các nhà báo ngày 22/10.
Tổng thống Zelensky ngày 21/10 cho biết sau khi Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, nước này lẽ ra nên nhận được lời mời gia nhập NATO để trao đổi. Tuy nhiên, theo ông, thay vào đó, "tất cả những gì chúng tôi nhận được là một cuộc xung đột toàn diện với nhiều thương vong, vì thế chúng tôi chỉ có một lối thoát hiện nay".
"Đó là lý do tại sao chúng tôi cần NATO bởi vì chúng tôi không có vũ khí có thể ngăn chặn Tổng thống Putin", ông Zelensky nói.
Từng là một phần của Liên Xô, Ukraine kế thừa một phần kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Kiev đã từ bỏ nó để đổi lấy những cam kết về chủ quyền lãnh thổ từ Anh, Nga và Mỹ.
Tổng thống Zelensky, gần đây có chuyến thăm tới Mỹ và châu Âu để thúc đẩy kế hoạch buộc Nga chấm dứt xung đột, cho biết Pháp đã thể hiện sự ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, "Anh sẽ ủng hộ chúng tôi và chúng tôi tin là Italy cũng vậy".
Đức "hoài nghi" về việc Ukraine gia nhập NATO và "sợ" chủ đề này, vì thế Kiev sẽ phải tăng cường nỗ lực để thuyết phục Berlin, ông Zelensky cho hay. Quyết định của Đức có thể phụ thuộc mạnh mẽ vào lập trường của Washington và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến những quốc gia như Hungary và Slovakia. Sự ngần ngại của Đức có liên hệ một phần với nỗi lo sợ về việc Nga sẽ phản ứng như thế nào và theo nhà lãnh đạo Ukraine, bất kỳ quyết định nào đều không nên dựa trên sự phản đối mạnh mẽ của Nga về việc Ukraine gia nhập liên minh.
"Sau cuộc bầu cử, chúng tôi hy vọng sẽ có một lập trường tích cực hơn từ phía Mỹ. Không phải bởi vì sự thay đổi người làm tổng thống mà chỉ đơn giản bởi vì trọng tâm và sự chú ý của Mỹ hiện đang hướng vào cuộc bầu cử", ông Zelensky khẳng định.
Theo ông, việc Washington thông báo về quyết định chính sách lớn về vấn đề này hiện nay "có lẽ sẽ không phù hợp" và nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng Washington "không muốn tăng thêm rủi ro".
Nỗ lực thuyết phục phương Tây của ông Zelensky
Trong khi Ukraine chờ đợi quyết định từ Washington và các đối tác khác, Mỹ đã cam kết cung cấp 1,6 tỷ USD cho việc sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine, đặc biệt là vũ khí tầm xa, ông Zelensky nói.
Ukraine từ lâu đã yêu cầu sử dụng các vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga và nêu việc dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng những vũ khí này là một điểm then chốt trong kế hoạch chiến thắng. Trong khi đó, Ukraine bắt đầu phát triển và triển khai các vũ khí tầm xa của mình, vốn không phải là đối tượng của các quy định trên.
Tổng thống Zelensky đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các ứng viên tranh cử tổng thống Donald Trump và Kamala Harris trong chuyến thăm Mỹ vào tháng trước. Các cuộc gặp với 2 ứng viên diễn ra suôn sẻ, ông Zelensky tiết lộ, đồng thời miêu tả cuộc gặp với ông Trump là "vô cùng tích cực" và cuộc gặp với Phó Tổng thống Harris là "rất tốt". Ông cũng từ chối so sánh 2 cuộc gặp này. Ông cho biết ông không tin là cả hai ứng viên dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới "sẽ chờ đợi tới tháng 1" để đưa ra quyết định về vấn đề Ukraine.
"Họ có lẽ không có quyền làm một số thứ nhất định nhưng họ vẫn có thể làm điều gì đó", ông Zelensky cho hay.
Chuyến đi của ông để thúc đẩy kế hoạch của mình diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau cuộc đột kích mạo hiểm qua biên giới vào lãnh thổ Nga mà Ukraine đã chiếm giữ lãnh thổ và bắt hàng trăm tù nhân chiến tranh. Chiến dịch đó theo ông Zelensky là một "cú sốc nghiêm trọng" vào các quốc gia ở Bán cầu Nam, cho thấy việc Nga không thể đẩy Ukraine khỏi khu vực Kursk "là dấu hiệu cho thấy tình trạng của quân đội” nước này.
Dù vậy, theo ông, trong khi Nga chưa đến mức cạn kiệt lực lượng thì nước này đang tìm kiếm các nguồn lực thay thế từ Triều Tiên để hạn chế tác động lên dân thường Nga. Hàn Quốc và Ukraine đều cáo buộc Nga đang huấn luyện cho các binh lính Triều Tiên để chiến đấu ở Ukraine. Mỹ và NATO chưa xác nhận về các báo cáo này.
Mới đây, Yonhap đưa tin ngày 21/10 rằng, Triều Tiên đã bác bỏ "những đồn đoán vô căn cứ" từ Hàn Quốc và Ukraine rằng Bình Nhưỡng gửi quân tới tham chiến cùng Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời khẳng định quan hệ với Moscow là "hợp pháp và hợp tác".