Theo thông tin mới được công bố từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đình chỉ việc cung cấp tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II cho Thổ Nhĩ Kỳ. Việc làm này của ông Trump theo đúng tinh thần những gì được Mỹ tuyên bố trước kia, đó là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị trừng phạt theo Đạo luật CAATSA vì đã mua tổ hợp phòng không tầm xa S-400 của Nga.
Ankara đang lên án quyết định trên của Mỹ nhưng đồng thời cũng xúc tiến tìm ứng viên thay thế, có thể họ sẽ lựa chọn tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.
Nhưng trên hết Mỹ đang cảm thấy rất tức giận vì bị đồng minh lâu đời quay lưng, hơn nữa Washington còn đang phải tìm cách giải quyết số F-35 "tồn kho" dự định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin từ nhà sản xuất cho biết hiện có tới 30 tiêm kích F-35A đang trong tình trạng khác nhau, ngoài ra còn 4 chiếc đã hoàn thiện để sử dụng đào tạo các phi công Thổ Nhĩ Kỳ.
Phương án dễ dàng nhất chính là không quân Mỹ sẽ nhận số tiêm kích F-35 trên vào biên chế, nhưng nếu vậy nhà sản xuất chắc chắn sẽ không vui vì số tiền bán nội bộ sẽ rẻ hơn sản xuất cho nước ngoài.
Chính vì vậy theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự quốc tế thì chính quyền Mỹ đang tìm một đồng minh thân cận trong NATO để chuyển giao số tiêm kích tàng hình F-35 trên.
Ban đầu có nhiều ý kiến cho rằng Ba Lan sẽ được hưởng lợi khi Thổ Nhĩ Kỳ không được chuyển giao F-35, nhưng mới đây tờ Defense One đã đưa ra một nhận định chấn động.
Những tiêm kích F-35 được Mỹ sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ được cung cấp cho Ukraine, quốc gia đang gặp phải tình trạng thiếu máy bay chiến đấu hiện đại. Phi đội F-35 sẽ khiến Moskva lo ngại.
“Nếu ai đó thực sự muốn chọc giận Nga theo cách khá nguy hiểm, thì đó là Ukraine”, tờ Defense One nhận định và cho rằng đây là phương án trả đũa tương xứng với việc Nga đã làm tan vỡ liên minh Mỹ - Thổ.
Tuy nhiên nếu kế hoạch trên được triển khai thì Mỹ sẽ phải đối mặt với vấn đề lớn nhất chính là Ukraine sẽ lấy đâu ra kinh phí để thanh toán với nhà sản xuất.
Giá trị mỗi chiếc tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II hiện tại vẫn ở mức trên 100 triệu USD, ngoài ra còn vũ khí đi kèm và cơ sở hạ tầng khai thác, con số này có thể lên tới cả tỷ USD.
Ukraine sau nhiều năm chiến tranh khiến kinh tế kiệt quệ khó lòng bỏ ra một số tiền lớn đến vậy, trong khi Mỹ từ trước tới giờ chỉ cung cấp cho Ukraine vũ khí, khí tài có giá trị ở mức vừa phải.
Ngoài ra Washington cũng phải đề phòng khả năng tình báo Nga sẽ tìm cách xâm nhập và đánh cắp dữ liệu từ F-35, nhất là khi mạng lưới này của Mosvka vẫn rất dày đặc.
Do vậy, viễn cảnh Mỹ chuyển giao toàn bộ phi đội F-35 dự định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ sang Ukraine theo như tờ Defense One giả thiết sẽ rất khó trở thành hiện thực.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-chuyen-giao-f35-cua-tho-nhi-ky-cho-ukraine-de-tra-dua-nga/818313.antd