Mỹ chuẩn bị xả 20 triệu thùng dầu từ dự trữ quốc gia, giá dầu giảm mạnh

Trung Mến |

Nhà đầu tư trên thị trường năng lượng lo lắng khi niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 7/2022 rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi bởi nỗi lo dai dẳng về lạm phát và lãi suất leo thang.

Ảnh: CNBC

Ảnh: CNBC

Giá dầu đảo chiều đà tăng vào đầu phiên và chốt phiên giảm bởi nhà đầu tư lo ngại khi số liệu mới công bố cho thấy niềm tin người tiêu dùng suy giảm, đồng thời họ chuẩn bị tâm lý cho khả năng Mỹ chuẩn bị xả 20 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược (SPR).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu Brent hạ 75 cent tương đương 0,7% xuống 104,4USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 1,8% xuống 94,98USD/thùng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sẽ bán bổ sung khoảng 20 triệu thùng dầu thô ngọt nhẹ từ dự trữ quốc gia, đây là một phần trong kế hoạch đã thông báo từ trước liên quan đến việc sử dụng dầu từ dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, đồng thời nhu cầu dầu phục hồi sau khoảng thời gian nhu cầu suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19.

Cuối tháng 3/2022, chính quyền Biden công bố sẽ xả ước chừng khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ SDR trong vòng 6 tháng.

Chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC ở New York, ông John Kilduff, khẳng định: "Thị trường phản ứng với thông báo của SPR và từ đó đến nay đã có nhiều ảnh hưởng nhất định".

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 7/2022 rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi bởi nỗi lo dai dẳng về lạm phát và lãi suất leo thang, khảo sát của Conference Board cho hay. Cũng theo Conference Board, nó cũng cho thấy rằng người tiêu dùng hiện đang bớt lạc quan về thị trường lao động.

Giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin rằng Nga đang siết chặt nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Vào ngày thứ Hai, Gazprom công bố nguồn cung khí đốt thông qua hệ thống đường ống NordStream 1 sang Đức sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 20% công suất.

Chính phủ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh hoạt động tiêu thụ khí đốt nhằm giúp cho người dân có đủ khí đốt sưởi ấm trong những tháng mùa đông năm nay.

Chuyên gia tại tổ chức môi giới PVM, ông Tamas Varga, nhận xét: "Thông báo khiến cho nhiều người lo sợ rằng Nga, dù rằng liên tục bác bỏ, nhưng sẽ không ngại ngần sử dụng năng lượng như một loại vũ khí nhằm ép các nước khác nhượng bộ trong cuộc chiến chống lại Ukraine và nhiều khả năng sẽ có thể thành công trong ngắn hạn".

Bộ trưởng Năng lượng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay đã đưa ra đề xuất các nước EU giảm sử dụng khí đốt tự nguyện khoảng 15% trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay đến tháng 3/2022.

Nguồn cung các sản phẩm dầu thô, dầu và khí đốt sang châu Âu cho đến nay đã chịu gián đoạn bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và tranh chấp với Nga tính từ khi Nga căng thẳng với Ukraine từ ngày 24/2/2022.

EU đã không ngừng cáo buộc Nga sử dụng năng lượng "tấn công" châu Âu. Điện Kremlin cho đến nay đã phủ nhận, họ cho biết việc cung ứng năng lượng sang châu Âu giảm có nguyên nhân trực tiếp từ vấn đề bảo trì và trừng phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại